CôngThương - Thẩm định 4.065 văn bản quy phạm pháp luật
Theo ông Trần Tiến Dũng, Chánh văn phòng Bộ Tư pháp, công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được triển khai thực hiện mạnh mẽ và có hiệu quả, bám sát hơn yêu cầu chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã được gắn kết chặt chẽ hơn với công tác kiểm soát thủ tục hành chính và đổi mới quy trình, cách thức để nâng cao chất lượng thẩm định. 6 tháng đầu năm 2013, toàn ngành Tư pháp đã tiến hành thẩm định 4.065 VBQPPL, trong đó, Bộ Tư pháp đã thẩm định 329 văn bản (có 21 điều ước quốc tế). Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã tập trung nguồn lực thẩm định theo thủ tục rút gọn 41 VBQPPL cụ thể hóa các giải pháp đã được nêu trong các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP của Chính phủ.
Công tác kiểm tra VBQPPL cũng được các bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện thường xuyên hơn và không ngừng được nâng cao chất lượng, hiệu quả. Bước đầu kết hợp việc kiểm tra văn bản với công tác theo dõi thi hành pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính. Các bộ, ngành, địa phương (bao gồm cả cấp tỉnh và cấp huyện) đã kiểm tra 251.900 văn bản. Cụ thể: Các địa phương đã kiểm tra 251.002 văn bản, phát hiện 3.960 văn bản có dấu hiệu chưa đảm bảo tính hợp pháp theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 40/2010/NĐ-CP, 528 VBQPPL có dấu hiệu vi phạm pháp luật về nội dung và thẩm quyền.
Đáng chú ý, việc xử lý văn bản có dấu hiệu chưa đảm bảo tính hợp pháp đã có chuyển biến. Một số cơ quan ban hành văn bản đã chủ động phối hợp xử lý kịp thời, nhất là những quy định gây bức xúc trong xã hội (ví dụ như quy định xử phạt mũ bảo hiểm không đạt chất lượng).
Đẩy mạnh công tác kiểm soát thủ tục hành chính
Trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), Bộ Tư pháp đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 367/QĐ-TTg ngày 28/02/2013 thành lập Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC để nâng cao chất lượng tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ thực hiện tốt yêu cầu, mục tiêu cải cách TTHC đã đề ra.
Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm đổi mới căn bản tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, góp phần phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam.
Bộ Tư pháp đang tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong công tác chỉ đạo chuyển giao công tác kiểm soát TTHC từ Văn phòng các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh sang tổ chức pháp chế và Sở Tư pháp theo Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính.
Gỡ khó trong thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính
Theo Quyết định số 1473/QĐ-TTg ngày 05/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai và danh mục nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC). Theo đó, từ gần 130 nghị định và các văn bản có quy định về xử phạt hành chính hiện hành, nay giảm xuống còn 56 nghị định.
Ông Trần Tiến Dũng khẳng định: Việc giảm số lượng lớn các nghị định sẽ góp phần kiểm soát hiệu quả hơn tình hành ban hành văn bản; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch và đơn giản hóa hệ thống văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tạo hành lang pháp lý ổn định, tránh tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các nghị định; tiết kiệm thời gian, công sức trong quá trình soạn thảo, ban hành, thay vì tách lẻ từng nhóm, từng lĩnh vực để quy định trong rất nhiều nghị định như trước đây. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân nghiêm túc chấp hành pháp luật, các công chức thực thi nhiệm vụ được thuận lợi, đồng thời để nhằm thực hiện một trong những mục tiêu cơ bản của việc ban hành Luật XLVPHC.
Tuy nhiên, phần lớn số các nghị định quy định chi tiết thi hành luật chưa được ban hành. Để bảo đảm không tạo ra khoảng trống pháp lý trong thực thi pháp luật về XLVPHC, trên cơ sở báo cáo đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2013, Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc tiếp tục áp dụng quy định tại các nghị định hiện hành và các biểu mẫu quyết định, biên bản kèm theo các nghị định này nếu không trái với tinh thần của Luật XLVPHC.