Thứ tư 14/05/2025 10:16

Hải sản Khánh Hòa bội ước, chiếm dụng tiền hàng của khách

Công ty TNHH Hải sản Khánh Hòa bị phản ánh bội ước, có dấu hiệu chiếm dụng tiền hàng, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng.

Chây ì, coi thường khách hàng

Vừa qua, Báo Công Thương nhận được kiến nghị hỗ trợ người tiêu dùng là bà Trần Thị Thanh Loan (sinh năm 1978, trú tại TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) phản ánh về việc Công ty TNHH Hải sản Khánh Hòa (địa chỉ cơ sở sản xuất tại số 47 (số cũ) Điện Biên Phủ, phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; văn phòng đại diện 68 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM) có dấu hiệu chiếm dụng tài sản của người khách hàng.

Theo đơn thư phản ánh của bà Trần Thị Thanh Loan, ngày 14/10/2024, bà Loan có đặt mua mặt hàng tôm khô được bán trên kênh thương mại điện tử haisankhanhhoa.vn của Công ty TNHH Hải sản Khánh Hòa. Bà Loan cho biết, bà đã thanh toán toàn bộ tổng trị giá đơn hàng trên là 10,6 triệu đồng và được Công ty Hải sản Khánh Hòa hẹn trong vòng một tuần sẽ giao hàng, nhưng doanh nghiệp nhiều lần thất hứa, bội ước với khách hàng.

“Chờ hơn một tuần nhận hàng không thấy nên tôi có việc bay về Đức mà vẫn chưa thấy công ty giao hàng. Sau đó, tôi có gọi điện thoại nhắc nhở, thúc giục nhiều lần, nhưng phía nhân viên công ty liên tục khất lần hứa hẹn, thậm chí, họ còn viện hết lý do này đến lý do kia vẫn không giao hàng”, bà Trần Thị Thanh Loan bức xúc nói.

Do chờ giao hàng quá lâu cũng như bức xúc trước cung cách làm việc tắc trách, phục vụ thiếu chuyên nghiệp của Công ty TNHH Hải sản Khánh Hòa, bà Trần Thị Thanh Loan đã quyết định không mua hàng nữa và yêu cầu công ty hoàn lại tiền đã chuyển.

“Thế nhưng, Công ty TNHH Hải sản Khánh Hòa lại tiếp tục đưa ra những lời hứa hẹn. Cụ thể, vào ngày 26/11/2024, tôi liên hệ thì họ hẹn sẽ hoàn trả trong vòng 3-15 ngày. Sau đó, họ vẫn chây ì và lại hẹn sẽ hoàn trả vào ngày 20/12/2024... Cho đến tận bây giờ là đầu tháng 3/2025, tức sau gần 5 tháng, họ vẫn chưa hoàn lại tiền cho tôi”, bà Trần Thị Thanh Loan bức xúc nói thêm.

Gian hàng thương mại điện tử của Công ty TNHH Hải sản Khánh Hòa. Ảnh chụp từ màn hình

Cũng theo bà Loan, hành vi bội ước thi hành trách nhiệm giao hàng và chây ì bồi hoàn tiền hàng của Công ty TNHH Hải sản Khánh Hòa là điều khó thể chấp nhận được. Không những vậy, bà Loan cho rằng, hành động của doanh nghiệp này không chỉ biểu hiện thái độ coi thường khách hàng mà còn có dấu hiệu chiếm dụng tài sản của người khác.

“Tôi đề nghị Công ty Hải sản Khánh Hòa không những chỉ hoàn lại tiền cho khách hàng mà còn phải giải trình rõ ràng cách hành xử của mình và chịu trách nhiệm về việc này trước pháp luật. Tôi quá thất vọng và không thể chấp nhận được cách hành xử, coi thường người tiêu dùng như vậy của Công ty Hải sản Khánh Hòa”, bà Trần Thị Thanh Loan nhấn mạnh.

Để có thông tin đầy đủ, đa chiều liên quan đến sự việc này, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, phóng viên Báo Công Thương đã nhiều lần liên hệ qua số điện thoại hotline 0938.163.099 của Công ty TNHH Hải sản Khánh Hòa.

Tuy nhiên, cũng giống như khách hàng Trần Thị Thanh Loan, phóng viên cũng nhận được phản hồi từ nhân viên trực với nội dung “đã chuyển thông tin phản ánh đến bộ phận chuyên môn có trách nhiệm giải quyết”, nhưng tuyệt nhiên không có bất cứ phản hồi nào với chúng tôi.

Xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi người tiêu dùng

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, luật sư Ma Văn Giang (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, thông qua diễn biến vụ việc, việc khách hành đã thanh toán mà người bán hàng không giao hàng cho khách là hành vi thiếu đạo đức kinh doanh, vô trách nhiệm, trốn tránh nghĩa vụ trong hoạt động kinh doanh mua bán hàng hóa.

Không những vậy, hành vi này còn xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của người mua hàng, điều này trái với quy định tại Điều 351 Bộ Luật dân sự 2015.

“Hành vi trên của người bán hành đã vi phạm quy định về đảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bán, cung cấp cho người tiêu dùng quy định tại Điều 14 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023.

Trường hợp có căn cứ cho rằng cá nhân, tổ chức bán hàng có hành vi gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù hoặc tù chung thân”, luật sư Ma Văn Giang viện dẫn luật.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đối với chế tài hành chính, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với cá nhân và từ 4 - 6 triệu đồng đối với tổ chức, đồng thời người vi phạm còn phải chấp hành hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính…

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong trường hợp này, luật sư Ma Văn Giang cho rằng, khách hành có quyền đề nghị cơ quan công an vào cuộc để xác minh, điều tra làm rõ có hay không hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đồng thời, qua đó đề nghị cơ quan chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình hoặc có thể khởi kiện vụ án dân sự về tranh chấp hợp đồng tại tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền để yêu cầu toà án buộc bên bán hàng hoàn trả lại cho mình số tiền đã thanh toán mua hàng.

Theo như giới thiệu, Công ty TNHH Hải sản Khánh Hòa là thương hiệu đạt chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000:2018. Công ty chuyên cung cấp các mặt hàng hải sản như: Mực khô, tôm khô, mực tẩm, cá khô, cá 1 nắng, cá tươi làm sạch, yến sào Khánh Hòa cá cơm chiên tỏi…

Đáng chú ý, mặc dù Công ty TNHH Hải sản Khánh Hòa cam kết: “Hải sản Khánh Hòa với đa dạng về sản phẩm và chất lượng dịch vụ, cam kết đem đến quý khách hàng sự hài lòng nhất”. Tuy nhiên, dường như tuyên bố này đang đi ngược lại với những gì khách hàng Trần Thị Thanh Loan đã "trải nghiệm" trong thời gian vừa qua.

Hải Sơn
Bài viết cùng chủ đề: lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Tin cùng chuyên mục

Hanayuki Shampoo bị thu hồi: Đoàn Di Băng nói 'không ảnh hưởng đến chất lượng'

Dầu gội Hanayuki Shampoo của Đoàn Di Băng bị thu hồi, tiêu huỷ

Cách quản lý, kinh doanh ‘lạ’ tại khu du lịch biển Bãi Đông

Quản lý thị trường sẽ kiểm tra ô tô 'Phụ kiện MAX' bán hàng trôi nổi

Cafe Mai nói gì về phản ánh ‘mắng mỏ’ khách hàng?

Nhà xưởng quy mô lớn trên đất cây xanh KCN Thạch Thất - Quốc Oai

Phụ kiện MAX: Dùng xe hết đăng kiểm bán hàng trôi nổi

Nấm độc núp bóng review, phá hoại thị trường - Bài 1: Những 'ông vua', 'bà chúa' không ngai trên mạng

Loạn quảng cáo lố của loạt trang ‘lang y online’ Nguyễn Bá Nho

Sau vụ sữa giả: Cơ quan chức năng siết chặt hoạt động

Choáng với quảng cáo King Fucoidan & Agaricus điều trị 33 loại ung thư

Sau vụ sữa giả: Zentrum đóng website, âm thầm gỡ bỏ video quảng cáo

Thanh Hương quảng cáo 'thần thánh hóa' men sống Bạch Mai Pro

Đoàn Di Băng quảng cáo, giới thiệu mỹ phẩm như thuốc chữa bệnh

Đoàn Di Băng bị tố 'thổi phồng' công dụng dung dịch vệ sinh Hanayuki

PQA Nhuận Tràng: Thực phẩm chức năng đội lốt bài thuốc

Loạt trung tâm đăng kiểm bị tố vòi vĩnh, nhũng nhiễu

Báo Công Thương liên tiếp nhận được phản ánh Võ Hà Linh quảng cáo sản phẩm sai sự thật

Hộp thư bạn đọc ngày 19/4: Phản ánh Võ Hà Linh quảng cáo lố; sản phẩm cai thuốc lá mập mờ nguồn gốc

Tra cứu thông tin thực phẩm bảo vệ sức khỏe ở đâu?