Mặc dù quý I là thời điểm thị trường hàng hoá diễn ra sôi động do nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán và các ngày Lễ đầu năm 2024, nhưng hoạt động cung cầu hàng hoá luôn được kiểm soát tốt, lưu thông hàng hoá trên địa bàn TP. Hải Phòng diễn ra bình thường, không có sự biến động.
Tại các siêu thị, chợ dân sinh và các điểm mua bán lẻ trên địa bàn thành phố, các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm, quần áo, giày dép, điện tử,... được cung cấp đảm bảo về số lượng, nhiều mẫu mã đa dạng, phong phú được lưu thông thông suốt đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Giá cả hàng hóa tăng, giảm phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa hay tỉnh trạng tăng giá bất hợp lý cũng như không xảy ra hiện tượng găm hàng, dầu cơ, tích trữ hàng hóa...
Cán bộ Cục Quản lý thị trường TP. Hải Phòng luôn nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách. |
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh thương mại được phát hiện, xử lý trong quý I năm 2024 chủ yếu là kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, buôn bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu; các hành vi vi phạm về đăng ký kinh doanh, không niêm yết giá và bán theo giá niêm yết...
Trong quý I năm 2024, Cục Quản lý thị trường TP. Hải Phòng đã luôn bám sát sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc giá, Bộ Công Thương, Tổng Cục Quản lý thị trường, UBND thành phố, Ban Chỉ đạo 389 Hải Phòng để triển khai thực hiện tốt công tác quản lý địa bàn, tổ chức hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn thành phố. Kết quả kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính Quí I năm 2024: Tổng số vụ kiểm tra: 49 vụ; tổng số vụ xử lý: 44 vụ; tổng số tiền xử lý: 3.863.755.000 đồng. Trong đó, tổng số thu nộp ngân sách nhà nước: 3.559.550.000 đồng. Số tiền thu xử phạt vi phạm hành chính: 709.250.000 đồng. Trị giá hàng bán phát mại: 2.850.300.000 đồng. Trị giá hàng tiêu hủy 340.205.000 đồng. Số vụ kiểm tra, xử lý theo thuộc thẩm quyền của UBND TP. Hải Phòng: 0 vụ; số vụ thuộc thẩm quyền của Cục Quản lý thị trường: 44 vụ. Số tiền thu phạt phân loại nộp ngân sách Trung ương, nộp ngân sách địa phương là 709.250.000 đồng.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp. Các hành vi vi phạm được kiểm tra, phát hiện, xử lý chủ yếu là kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ; các hành vi vi phạm quy định về đăng ký kinh doanh; vi phạm quy định về nhãn hàng hoá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Những phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn tinh vi phức tạp và khó lường hơn so với thời điểm về trước. Trong khi đó, các biện pháp quản lý, chế tài xử phạt của nhà nước còn chưa đủ.
Trong thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của Cục Quản lý thị trường TP. Hải Phòng là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Tổng cục, UBND thành phố giao: Quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, chỉ đạo của Bộ Công Thương và cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ngoài ra, tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong các dịp lễ tết hoặc thiên tại, dịch bệnh; thực hiện tốt nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành được giao.
Tập trung kiểm tra việc kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng hóa trên thị trường nội địa; chủ trì và phối hợp với lực lượng Công an và các cơ quan liên quan triệt phá các tụ điểm tập kết, buôn bán hàng lậu, hàng giả và nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
Nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý.