Hải Phòng: Đầu tư 1.383 tỷ làm đường nối Quốc lộ 10 vào trung tâm thành phố Hải Phòng sắp thực hiện dự án gần 56.000 tỷ đồng |
Đề án Tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng là nội dung quan trọng, thực hiện mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo. Đồng thời, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực, bám sát tinh thần Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 35 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng trên địa bàn thành phố.
Ngày 8/12, HĐND thành phố Hải Phòng ban hành Nghị quyết số 41 về việc thông qua Đề án Tổ chức chính quyền đô thị. Đây là cơ sở pháp lý để thành phố hoàn thiện trình Quốc hội xem xét, quyết định. Cùng với đó, Đề án Tổ chức chính quyền đô thị Hải Phòng đề xuất phương án chỉ còn HĐND thành phố Hải Phòng và HĐND cấp thành phố trực thuộc thành phố, không tổ chức HĐND cấp quận, phường. Số lượng đại biểu HĐND thành phố được giữ nguyên theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhưng tăng số lượng đại biểu chuyên trách. Đề án được xây dựng trên cơ sở tham khảo, rút kinh nghiệm về thực hiện tổ chức chính quyền đô thị ở Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và một số nước trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore,...
Hải Phòng hướng tới xây dựng chính quyền đô thị tinh gọn, đạt hiệu quả cao. (Ảnh Internet) |
Trước đây, giai đoạn 2009 - 2016, Hải Phòng từng thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Từ năm 2016 đến nay, tổ chức và hoạt động quản lý của chính quyền thành phố, các quận, huyện và phường, xã, thị trấn trên địa bàn được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019. Các đơn vị hành chính ở 3 cấp đều tổ chức HĐND và UBND.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hoàng Văn Đức, dù thời gian triển khai chỉ 1 nhiệm kỳ, khó đánh giá đầy đủ, chính xác mặt được và chưa được, song thực tiễn hoạt động của bộ máy chính quyền ở 14 quận, huyện và 70 phường thực hiện thí điểm đạt nhiều kết quả bước đầu như hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền đối với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương bảo đảm ổn định, không xáo trộn; có sự tăng cường phối hợp hoạt động giữa cấp ủy Đảng, cơ quan hành chính.... Nhất là sự chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước cấp trên được tăng cường, tính hành chính của Ủy ban nhân dân rõ nét hơn. Đặc biệt, việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường giảm đầu mối, giảm hội họp, giảm biên chế chuyên trách và phục vụ tại các huyện, quận, phường, giảm chi cho hoạt động của HĐND huyện, quận, phường, giảm các quy trình, thủ tục hành chính và thời gian... Tuy nhiên, chi phí cho hoạt động của HĐND thành phố Hải Phòng tăng do thêm đại biểu chuyên trách, bộ máy, phương tiện làm việc...
UBND thành phố Hải Phòng đã gửi công văn xin ý kiến tham gia đối với dự thảo Đề án. Theo đó, 23/23 bộ, cơ quan Trung ương nhất trí cần thiết xây dựng Đề án. Bên cạnh đó cũng nêu rõ, nội dung Đề án phù hợp với các quy định Trung ương, là đòi hỏi tất yếu đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và trình độ đô thị hóa ngày càng cao của thành phố Hải Phòng.
Đáng chú ý, Đề án Tổ chức chính quyền đô thị Hải Phòng nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhận được sự đồng thuận của cử tri. Song, nội dung đề án mới là định hướng về mặt mô hình tổ chức, còn cần cụ thể hóa, chi tiết hơn khi được cấp trên phê duyệt, hướng dẫn triển khai thực hiện. Được biết, 6 bộ, cơ quan Trung ương có đề nghị xem xét, cân nhắc nội dung của Đề án, 11 bộ, cơ quan Trung ương tham gia đối với nội dung phân cấp, phân quyền, ủy quyền, cơ chế, chính sách trong dự thảo Đề án...
Trên cơ sở các ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, cử tri, lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng nghiêm túc tiếp thu và giải trình ý kiến tham gia của các bộ, cơ quan Trung ương vào dự thảo Đề án Tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng bằng văn bản. Ngoài ra, đề xuất tiếp tục giữ nguyên 41 nội dung trong dự thảo Đề án, đưa ra khỏi dự thảo Đề án 5 nội dung. Trong năm 2024, thành phố Hải Phòng tiếp tục đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 35/2021/QH15 theo chỉ đạo của Chính phủ để bổ sung vào dự thảo Đề án này trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, thông qua. Qua đó, hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.