Hải Phòng: Sở Công Thương đối thoại với hơn 30 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, hội nhập quốc tế Quảng Ninh - Hải Phòng cần làm gì để bảo tồn và phát huy giá trị di sản? |
Ngày 29/9, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tổ chức: “Diễn đàn kết nối các doanh nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2023". Tham dự diễn đàn có hơn 200 tổ chức, doanh nghiệp là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hoạt động sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cung cấp dịch vụ và một số trường đại học trên địa bàn.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết: “Diễn đàn là sáng kiến hiệu quả và càng có ý nghĩa hơn khi được tổ chức vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng. Chúng tôi tin rằng, diễn đàn sẽ là một hoạt động kết nối có ý nghĩa thiết thực để các doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài cùng trao đổi cởi mở về nhu cầu, tiềm năng, lợi thế của nhau, trên cơ sở đó nhận diện những cơ hội đầu tư mới, có kế hoạch, biện pháp thúc đẩy hợp tác vì lợi ích của chính các doanh nghiệp và cũng vì sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố”.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và cung ứng dịch vụ, đào tạo... trong nước học hỏi kinh nghiệm quản trị, điều hành và phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kết nối nhu cầu mua bán, nhằm mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp FDI. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp trong tương lai.
Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Haiphong.gov.vn) |
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng phát biểu và đánh giá cao những đóng góp của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), đối với việc phát triển kinh tế xã hội của TP. Hải Phòng. Đồng thời, ông Lê Trung Kiên cũng đề nghị, các doanh nghiệp FDI trên địa bàn đẩy mạnh hợp tác, kết nối với các doanh nghiệp sản xuất hỗ trợ trong nước, tăng cường trao đổi thông tin về khả năng cung cấp sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho các doanh nghiệp FDI, tăng cường trao đổi kết nối nhu cầu mua bán, hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp với mục tiêu xây dựng và hình thành các hệ sinh thái sản xuất tại TP. Hải Phòng nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu và đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố.
“Với vai trò là cầu nối, kết nối các doanh nghiệp, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện có hiệu quả những biện pháp, kế hoạch, chương trình, sự kiện thường niên nhằm kiến tạo, kết nối mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, để góp phần hình thành chuỗi liên kết cung ứng – sản xuất – tiêu thụ giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong và ngoài nước trên địa bàn Hải Phòng”, ông Lê Trung Kiên nhấn mạnh.
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Haiphong.gov.vn) |
Theo số liệu thống kê, hiện tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm của Hải Phòng (GRDP) liên tục đạt mức cao. Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2022 đạt bình quân 12,63%/năm, đứng thứ 2 cả nước, gấp 1,5 lần giai đoạn 2011-2015 (7,08%/năm) và gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng của cả nước (6,78%/năm). Tỷ trọng GRDP của Hải Phòng năm 2022 chiếm 3,83% GDP cả nước và 14,43% GDP vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Trong đó, với 1 khu kinh tế diện tích 22.540 ha thành lập từ năm 2008 và 14 khu công nghiệp thành lập với tổng diện tích 6.126 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt khoảng 63,5%; đến nay thu hút hơn 39 tỷ đô la Mỹ (gồm 501 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 25,72 tỷ đô la Mỹ và 217 dự án trong nước với tổng vốn 13,28 tỷ đô la Mỹ) đứng thứ 6 cả nước, thứ 2 miền Bắc.
Các doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ. (Ảnh: Haiphong.gov.vn) |
Chỉ tính riêng từ năm 2020 đến nay, tổng vốn đăng ký đầu tư đạt khoảng 16,8 tỷ đô la Mỹ chiếm khoảng 42,7% tổng vốn đăng ký đầu tư 30 năm thu hút đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Hải Phòng đã hoàn thành vượt chỉ tiêu thu hút đầu tư nước ngoài của cả năm, với tổng số vốn thu hút đạt hơn 3 tỷ đô la Mỹ.
Các khu công nghiệp, khu kinh tế của TP. Hải Phòng thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, đầu tư vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo với nhiều dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hải Phòng cũng như tạo ra những tác động lan tỏa khác như: Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast với tổng vốn đầu tư 175.000 tỷ đồng (khoảng 7,6 tỷ USD): Tổ hợp các dự án của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 9,2 tỷ USD và nhiều dự án trên dưới 1 tỷ USD của Pegatron, Bridgestone, Regina Miracle International…
Tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn TP. Hải Phòng, hiện có hơn 400 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đăng ký 25,72 tỷ đô la Mỹ và hơn 200 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 13,28 tỷ đô la Mỹ. Tổng vốn FDI trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt trên 3 tỷ đô la Mỹ, hoàn thành vượt chỉ tiêu của cả năm 2023 (2,5 tỷ đô la Mỹ).
Tuy nhiên, theo đánh giá, sự kết nối giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước tại Hải Phòng còn khá rời rạc, chưa tạo thành mối quan hệ cộng sinh, tương hỗ nhằm xây dựng nền sản xuất bền vững. Tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm của các doanh nghiệp FDI còn thấp, nhiều hạn chế trong chuyển giao công nghệ và các doanh nghiệp trong nước chưa tham gia được nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Các đại biểu tham quan Triển lãm sản phẩm kết nối các doanh nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. (Ảnh: Haiphong.gov.vn) |
Cũng trong sáng cùng ngày 29/9, Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng đã tổ chức chương trình Triển lãm sản phẩm kết nối các doanh nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, mục đích nhằm kết nối, tạo cơ hội thị trường cho các doanh nghiệp, các tổ chức chia sẻ, tìm kiếm, liên kết để cùng phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Qua triển lãm này, các bên tham gia có cơ hội tìm hiểu về năng lực sản xuất, cung ứng của các doanh nghiệp trong nước, cũng như những cơ hội để hợp tác, cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI. Đồng thời, nắm bắt nhu cầu, và yêu cầu của các doanh nghiệp FDI, cũng như các yêu cầu về tuyển dụng, đào tạo lao động phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp FDI.