Vì sao bị can Nguyễn Nhân Chiến, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh bị bắt? Nguyên Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh bị bắt vì nhận hối lộ Kỷ luật nguyên Phó chủ tịch Phú Yên liên quan vụ AIC |
Thêm một cựu quan chức đứng đầu tỉnh Bắc Ninh “nhúng chàm” liên quan tới những sai phạm xảy ra tại Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng Y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, “đế chế” AIC và các đơn vị có liên quan.
Đó là bị can Nguyễn Nhân Chiến, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh, bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam chiều qua 24/1, để điều tra về tội “Nhận hối lộ”, quy định tại Khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cựu Chủ tịch tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh và cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến |
Trước đó ít ngày là ông Nguyễn Tử Quỳnh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh; ông Nguyễn Hạnh Chung, nguyên Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh cũng bị khởi tố, bắt giam với tội danh tương tự.
Ngoài ra còn một số quan chức khác bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Như vậy khi AIC tham gia đấu thầu các gói thầu tại tỉnh Bắc Ninh, có ít nhất 3 quan chức đã bị “mua chuộc” bởi bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và “đế chế” AIC.
Những người này đều giữ những vị trí chủ chốt, quan trọng, có thể chỉ đạo, tác động tới kết quả các gói thầu, dẫn tới giảm tính cạnh tranh/cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Chưa rõ số tiền và số lần nhận hối lộ của 3 quan chức, cựu quan chức nói trên là bao nhiêu, nhưng với việc bị khởi tố, bắt tạm giam theo quy định tại Khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 – mức cao nhất của tội nhận hối lộ, cho thấy lợi lộc, tiền biếu xén những quan chức này nhận được từ những việc làm sai trái là không hề nhỏ.
Liên quan tới “đế chế” AIC, tại tỉnh Đồng Nai cũng có hàng loạt quan chức “cùng hội cùng thuyền”, nhận biếu xén để tạo điều kiện cho “đế chế” AIC gian lận, trúng thầu, gây thiệt hại tài sản nhà nước.
Đó là cựu Bí thư Tỉnh uỷ Trần Đình Thành, cựu Chủ tịch tỉnh Đinh Quốc Thái mỗi người nhận 14,5 tỷ đồng; cựu Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ nhận 14,8 tỷ đồng tiền hối lộ từ “đế chế” AIC. Các quan tham này đã bị Toà án xử phạt các mức án lần lượt là 10 năm tù, 9 năm tù và 19 năm tù vào đầu năm 2023.
Ngoài ra, quá trình tham gia đấu thầu tại tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam VNCERT, Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh, nhiều cán bộ cũng đã thiếu trách nhiệm để “đế chế” AIC trúng nhiều gói thầu, gây thiệt hại tài sản nhà nước. Có vụ án đã đưa ra xét xử, có vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra, làm rõ.
Trở lại với vụ án xảy ra tại Bắc Ninh, đây cũng có thể gọi là một điển hình của nhóm lợi ích, khi cả cựu Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Nhân Chiến, cựu Chủ tịch tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh và cựu Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh Nguyễn Hạnh Chung đều bị cáo buộc nhận hối lộ của “đế chế” AIC.
Tới đây, kết quả điều tra, truy tố, xét xử sẽ phơi bày ra những phương thức, thủ đoạn và số lần nhận hối lộ của các quan chức nói trên; cũng như cách mà bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã tiếp cận, “mua chuộc” các quan chức tỉnh Bắc Ninh để trúng thầu.
Những hành vi sai trái, đưa nhận hối lộ, vi phạm quy định, thiếu trách nhiệm để “đế chế” AIC trúng thầu, gây thiệt hại ngân sách nhà nước của các quan chức nói trên sẽ phải trả giá bằng những hình phạt thích đáng theo quy định của pháp luật; cùng với đó là việc khắc phục hậu quả đã gây ra, không thiếu một xu.
Đây là bài học không chỉ cho riêng các bị can, bị cáo trong các vụ án liên quan tới “đế chế” AIC, mà còn là bài học chung trong công tác quản lý và công tác đấu thầu; là lời cảnh tỉnh cho những kẻ đã, đang và có ý định can thiệp, tác động, nhận hối lộ, cố ý làm trái quy định về đấu thầu để tạo điều kiện cho “sân sau”, “sân trước”, doanh nghiệp thân quen trúng thầu nhằm vụ lợi.