Khó khăn trong chuyển đổi mô hình trung tâm khuyến công theo hướng tự chủ Bắc Kạn: Nhiều khó khăn trong triển khai công tác khuyến công |
Ông Nguyễn Quốc Việt- Giám đốc Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Hải Dương cho biết, các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, các đơn hàng bị hạn chế, sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ chậm, hàng tồn kho nhiều nên chủ yếu sản xuất cầm chừng để giữ chân người lao động. Đầu tư mua sắm máy móc thiết bị hạn chế phần lớn do nguồn tài chính của cơ sở hạn hẹp.
Trước tình hình đó, tỉnh Hải Dương đã ban hành những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn nói chung nhằm có thêm nguồn lực, ổn định sản xuất và đẩy nhanh tiêu thụ hàng hoá. Trong đó, Kế hoạch khuyến công tỉnh Hải Dương giai đoạn 2023 – 2025 với những giải pháp đồng bộ rất được kỳ vọng.
Kiểm tra thiết bị tại công ty TNHH thương mại dịch vụ Kiên Khu. Ảnh: Phạm Vũ Tuấn |
Trên cơ sơ kế hoạch đã được xây dựng, Sở Công Thương đã tập trung bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và cấp quốc gia tìm ra sản phẩm tiêu biểu để hỗ trợ phát triển; chủ động nắm bắt tình hình phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh đồng hành, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trong việc định hướng phát triển, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Việt cũng cho hay, qua thực tế triển khai, Hải Dương vẫn gặp nhiều vướng mắc trong triển khai công tác khuyến công.
Cụ thể, địa phương chưa hình thành được mạng lưới cộng tác viên khuyến công cấp huyện, cấp xã nên công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách khuyến công đến người dân chưa sâu, rộng. Hầu hết cán bộ làm công tác khuyến công tại các huyện, thị xã, thành phố là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi. Năng lực cán bộ tham gia hoạt động khuyến công chưa cao và chưa chuyên nghiệp, còn hạn chế trong các lĩnh vực như: Tư vấn dự án đầu tư, về chính sách đất đai, lĩnh vực công nghệ... còn thiếu cán bộ chuyên ngành kỹ thuật và đặc biệt thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn cao.
Kinh phí thực hiện khuyến công hàng năm chỉ mới dừng lại ở ngân sách nhà nước hỗ trợ và đối ứng của các đơn vị thụ hưởng mà chưa huy động được các nguồn lực khác tham gia vào hỗ trợ hoạt động khuyến công. Công tác khảo sát, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các đề án khuyến công còn một số nội dung, thời gian chưa đảm bảo theo quy định, nhất là việc xây dựng và đăng ký kế hoạch khuyến công hằng năm còn bị động, lúng túng... dẫn đến phải dừng, điều chỉnh, bổ sung nhiều lần.
Quy mô của một số đề án khuyến công còn nhỏ, chưa đa dạng, chưa có nhiều đề án khuyến công có sức lan toả lớn, có vai trò làm động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn; chất lượng, hiệu quả đề án còn thấp, chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra.
Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các đề án khuyến công chưa được thường xuyên. Chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu của ngành công nghiệp nói chung và lĩnh vực khuyến công nói riêng.
Để vượt qua những khó khăn này, nâng cao chất lượng công tác khuyến công, thời gian tới, Sở Công Thương Hải Dương đã đề ra nhiều giải pháp.
Theo đó, địa phương đẩy mạnh và đa dạng các hình thức tuyên truyền, kết hợp cả hình thức truyền thống và trên các nền tảng số đảm bảo kiểm soát thông tin nhằm tuyên truyền về cơ chế, chính sách và những điển hình trong các hoạt động khuyến công.
Tham mưu, đề xuất hình thành được mạng lưới cộng tác viên khuyến công, ít nhất là cấp huyện. Kiện toàn, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao nhận thức về hoạt động khuyến công và sản xuất bền vững cho cán bộ, viên chức làm công tác khuyến công của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp. Cán bộ khuyến công cấp huyện cần được bố trí ổn định và trong trường hợp cán bộ mới đảm nhận công tác này phải được tập huấn về nghiệp vụ khuyến công, để xây dựng đội ngũ quản lý một cách hệ thống và chuyên nghiệp.
Ngoài nguồn kinh phí từ chương trình khuyến công địa phương phối hợp, lồng ghép các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh kế - xã hội khác; tích cực tìm kiếm, tranh thủ sự đồng tình hợp tác, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân để huy động các nguồn lực và nguồn vốn hợp pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh.
Hỗ trợ đầu tư có chọn lọc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, tranh thủ mọi nguồn lực, chú trọng những địa phương trọng điểm, lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Tập trung nghiên cứu xây dựng, thực hiện các đề án nhóm, đề án điểm để tạo sức lan toả, động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn.