Nhà báo Lương Văn Tự với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại Singapore năm 1992
Tháng 4/1987, tôi được cử đến Singapore làm Trưởng đoàn đại diện thương mại (Head of Vietnam trade office), trong nội bộ gọi là Trưởng đoàn đại diện các tổng công ty XNK. Đây là thời kỳ rất khó khăn do bao vây cấm vận và sự phản đối của Singapore khi chúng ta giúp Campuchia thoát nạn diệt chủng như hồi ký ông Lý Quang Diệu đã nêu. Ngược lại về mặt thương mại, Singapore lại mở cửa để thương mại và đầu tư từ Singapore vào Việt Nam.
Qua nhiều năm vận động và những thay đổi của chiến trường Campuchia, tháng 10/1991, Chính phủ Singapore đã quyết định mời Bộ trưởng Bộ Thương mại Lê Văn Triết gặp Bộ trưởng Bộ Công thương Lý Hiển Long (nay là Thủ tướng Chính phủ Singapore). Trong buổi làm việc đó, ngài Bộ trưởng lại mời Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt (Thủ tướng Võ Văn Kiệt) sang thăm chính thức và bình thường hóa quan hệ với Singapore.
Tối 28/11/1991, Đoàn Chính phủ do Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến Singapore. Sau khi thu xếp chỗ ở cho các thành viên của đoàn đã gần 12 giờ đêm, tôi đến chào Thủ tướng. Thủ tướng yêu cầu tôi báo cáo, trả lời 3 câu hỏi của Thủ tướng. Câu thứ nhất, dư luận Singapore trước khi tôi đến đây? Câu thứ hai, làm gì được với Singapore? Câu thứ ba hóc búa nhất, ở Singapore ai là người quyết định? Lúc này, ông Lý Quang Diệu sau 25 năm làm Thủ tướng (kể từ khi Singapore tách ra khỏi Malaysia) đã nghỉ và ông Ngô Chook Tông lên thay được 1 năm. Tôi trả lời: “Ông Lý Quang Diệu là người quyết định”. Thủ tướng hỏi: “Tại sao thế?”. Tôi trả lời: “Cách đây mấy tháng, tình hình Singapore không ổn định. Báo Straight Time đưa tin hình ảnh trời mưa to, ông Lý Quang Diệu cầm ô che cho ông Ngô Chook Tông đi”.
Nhà báo Lương Văn Tự gặp gỡ Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại Singapore năm 1991
Sau lễ đón và tuyên bố bình thường hóa quan hệ, Thủ tướng lại hỏi tôi: “Tôi định mời ông Lý Quang Diệu làm cố vấn, anh thấy thế nào?”. Tôi trả lời: “Thủ tướng cứ mời. Người Việt Nam có câu “lời chào cao hơn mâm cỗ”. Nhưng chưa chắc ông Lý Quang Diệu đã nhận lời vì Trung Quốc và Ucraina mời, ông ấy đều từ chối”.
Quả thực như vậy, khi làm việc với ông Lý Quang Diệu, Thủ tướng mời nhưng ông ấy chỉ nhận lời sang thăm như hồi ký ông ấy đã viết. Ngày 31/11/1991- đây là ngày rất đẹp, 3 con số cuối cùng của ngày, tháng, năm đều là số 1 (nhất)- Thủ tướng đích thân đến thăm anh em trong đoàn. Thay bằng lời xã giao giữa cấp trên và cấp dưới, Thủ tướng tặng tôi câu nói: “Cảm ơn ông Đại sứ dởm đã làm thật” - rồi tươi cười bắt tay tôi.
Với vị trí quan trọng là một trong những cửa ngõ của Việt Nam ra thị trường khu vực hai thời đó, toàn bộ cà phê, cao su bán qua Singapore; thủy sản, dầu thô, lúa gạo và các mặt hàng khác ở khu vực phía nam qua Singapore rồi chuyển đi nước thứ 3 và cũng qua Singapore giao dịch bán hàng đi nhiều nước. Năm 1989, Đoàn đại diện thương mại đã bán 100 ngàn tấn gạo đi Ấn Độ, 5 vạn tấn đi Malaysia.
Sau khi thực hiện nhiệm vụ thu xếp cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt sang thăm và bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Singapore, tôi về nước làm việc và được Ban Kinh tế Trung ương mời lên làm việc với anh Trần Gia Hiền- Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại và Ban Đối ngoại Trung ương.
Khi nghe báo cáo kết quả chuyến thăm của bác Võ Văn Kiệt và triển vọng phát triển kinh tế thương mại với Singapore, các anh đặt vấn đề: “Nhờ anh thu xếp bác Nguyễn Văn Linh sang thăm Singapore”. Tôi nói ngay: “Việc lớn này sao không giao cho Bộ Ngoại giao?” Các anh nói: “Đã nhận được câu trả lời không thu xếp được”.
Trở về Singapore, tôi mời ông Vụ trưởng Vụ Lễ tân đến cửa hàng cơm Việt Nam và cảm ơn ông ấy về việc Chính phủ, Bộ Ngoại giao Singapore đón tiếp chu đáo và thành công của chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ. Nhân câu chuyện ăn uống vui vẻ, tôi đặt vấn đề: “Việt Nam chúng tôi còn có đồng chí lãnh đạo đổi mới hơn”. Ông hỏi: “Ai đấy?” Tôi trả lời: “Bác Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng Bí thư, nay là Cố vấn của Tổng Bí thư”. Ông Vụ trưởng suy nghĩ và trả lời: “Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhưng không đón tiếp theo nghi thức ngoại giao và không đăng báo”. Tôi ghi nhận và nói sẽ trả lời sau, nhưng bụng bảo dạ rất vui rồi.
Báo cáo về nước, tôi nhận được trả lời cảm ơn và đầu năm sau, bác Linh sẽ sang Singapore. Bác Nguyễn Văn Linh sang, tôi đón tiếp và cùng Bộ Ngoại giao thu xếp chương trình làm việc. Tôi rất ngạc nhiên về cách đặt vấn đề và phong cách làm việc của bác. Bác thăm và làm việc với tất cả các nơi và các lĩnh vực Singapore có thế mạnh như: Cảng biển, sân bay, quy hoạch đô thị, nhà ở... Về ăn uống, bác bảo tôi: “Chú cho tôi ăn chỗ ngon nhất và chỗ dở nhất”. Tôi thu xếp mời bác ăn cơm hooker (cơm bụi của Việt Nam), bác nói: “Thế này gần bằng cơm tiểu táo của ta”.
Nghe báo cáo quy hoạch nhà ở, bác Linh thấy 95% dân ở nhà Chính phủ và nhà ở chung cư của dân như khu cao cấp của Việt Nam. Đặc biệt nguồn tài chính để xây nhà phần lớn lấy từ quỹ đất. Thăm sân bay Singapore, thấy họ quy hoạch 4 nhà ga, đến năm 2050 sẽ đón 100 triệu lượt khách qua lại...
Hàng ngày, tôi ngồi xe cùng bác Nguyễn Văn Linh và trả lời tất cả những câu hỏi của bác. Chiều 6/4/1992, tôi đưa bác ra bãi biển East Coast - nơi đây trước là bãi sú vẹt nay là trung tâm ăn hải sản buổi tối. Hai bác cháu cùng đoàn xuống đi dạo, tôi băn khoăn hỏi bác: “Bác ơi, bây giờ nhiều Đảng Cộng sản không nắm chính quyền. Chúng ta muốn phát triển kinh tế phải quan hệ với các Chính phủ và Đảng cầm quyền”. Bác bảo: “Tôi cũng nghĩ như vậy, về nước tôi sẽ bàn với các đồng chí lãnh đạo”.
Hơn hai năm sau, tôi thấy văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc có câu: “Quan hệ với Đảng cầm quyền”, tôi rất mừng vì ý kiến của nhiều người đã được Trung ương và Bộ Chính trị chấp nhận. Ngày nay, câu chuyện ấy thấy rất bình thường vì nó diễn ra nhiều lần khi Việt Nam đi thăm Nguyên thủ của các nước.
Kết thúc 3 ngày làm việc, ông Chủ tịch Ngân hàng UOB mời chiêu đãi trên đỉnh nóc nhà cao nhất Singapore, hỏi bác Nguyễn Văn Linh: “Cảm tưởng của ngài sau mấy ngày làm việc và thăm Singapore?”. Bác trả lời thẳng thắn: “Singapore làm được nhiều điều chủ nghĩa xã hội mong muốn”. Tôi thực sự tôn trọng bác vì có phong thái, lời nói đi đôi với việc làm. Qua lời nói và hành động của bác, một thời báo chí vẫn nói NVL (những việc cần làm ngay) làm tôi nhớ lại câu kết luận của Ăng-ghen viết sau khi hoàn thành bộ Tư bản luận cùng Các-Mác: “Linh hồn của Chủ nghĩa Mác là giải quyết thực tiễn trong hoàn cảnh cụ thê”.
Hai chuyến thăm lịch sử vừa kể trên đã đặt nền tảng cho quan hệ Việt Nam - Singapore chuyển sang thời kỳ mới - thời kỳ hợp tác toàn diện và tạo điều kiện cho Việt Nam gia nhập ASEAN (năm 1995). Từ đó đến nay, Singapore trở thành đối tác thương mại và đầu tư trong top 10 của Việt Nam.
Ngày nay, Singapore không chỉ đồng hành với Việt Nam về kinh tế mà còn tích cực ủng hộ hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở Biển Đông theo DOC và đàm phán COC. |