Trong số 90 mô hình, sản phẩm do các huyện ở Hà Tĩnh đề xuất, Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh tổ chức kiểm ra, thẩm định các mô hình, sản phẩm, dịch vụ điểm OCOP năm 2019 sẽ lựa chọn 4 sản phẩm chỉ đạo điểm trung ương và 10 sản phẩm chỉ đạo điểm của tỉnh.
Năm 2019, Hà Tĩnh đặt mục tiêu có ít nhất 60 sản phẩm, dịch vụ tham gia Chương trình OCOP |
Mặc dù Hà Tĩnh có khá nhiều sản phẩm nông nghiệp, thủ công được nhiều người biết đến như: Bưởi Phúc Trạch, nhung hươu, cam bù Hương Sơn, cam chanh Thượng Lộc, cam Khe Mây, đồ gỗ Thái Yên…, thế nhưng những sản phẩm đó vẫn chưa thực sự phát huy tiềm năng, thế mạnh, chưa xây dựng được thương hiệu mạnh mang tầm quốc gia.
Năm 2019, Hà Tĩnh đặt mục tiêu có ít nhất 60 sản phẩm, dịch vụ tham gia Chương trình OCOP; có tối thiểu 25 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP (trong đó hoàn thiện và chuẩn hóa tối thiểu 20 sản phẩm, phát triển mới tối thiểu 5 sản phẩm); có ít nhất 10 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Củng cố, nâng cấp tối thiểu 30 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ hiện có thực hiện Chương trình OCOP; phát triển mới tối thiểu 10 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP.
Trong lần lựa chọn những sản phẩm tiêu biểu lần này bao gồm các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện Vũ Quang, Hương Khê đã có thương hiệu trên thị trường, quy mô sản xuất lớn, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, đến nay, việc phát triển các sản phẩm theo chuỗi, gia tăng giá trị trên từng sản phẩm còn hạn chế; mẫu mã bao bì chưa bắt mắt, thị trường tiêu thụ không ổn định; nguồn vốn xây dựng, phát triển sản phẩm, thương hiệu còn khó khăn…
Các mô hình, sản phẩm, dịch vụ được kiểm tra để lựa chọn đưa vào chương trình đợt này như: HTX nuôi ong Ân Phú, HTX sản xuất và kinh doanh cam Hương Thọ (Vũ Quang), HTX sản xuất mật ong Hương Bưởi, HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ Thọ Nga, HTX bưởi Phúc Trạch và dịch vụ tổng hợp Phát Lộc (Hương Khê).