Tết Nguyên đán: Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí phải đảm bảo an toàn, tiết kiệm |
Những ngày cận Tết Nguyên đán 2023, thời tiết tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh mưa nhiều kèm theo không khí lạnh tăng cường khiến các hộ dân tại làng nghề bánh đa nem không thể phơi bánh. Nhu cầu tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán 2023 tăng mạnh, để kịp giao cho khách hàng, các hộ dân đã phải đốt lửa để phơi bánh.
Những hộ dân tại làng nghề tận dụng các khoảng đất trống làm chỗ phơi bánh |
Đôi tay thoăn thoắt vừa đảo những tấm phên nứa phơi bánh, bà Trần Thị Thanh (SN 1973, trú thôn Bình, xã Thạch Hưng) cho biết, những ngày này, ngoài lao động làm thuê, tất cả các thành viên trong gia đình bà đều được “huy động” để kịp hàng giao khách. Hàng ngày, bà phải thức dậy khi 3h sáng, làm quần quật cho đến 22h đêm.
Cũng như nhiều hộ tại thôn Bình, gia đình bà Thanh có truyền thống làm bánh đa nem đã hơn 30 năm nay. Trước đây, bà phải tráng hoàn toàn bằng tay. Những năm gần đây, gia đình bà đầu tư máy tráng tự động với giá 65 triệu đồng nên đỡ sức người và sản xuất được số lượng bánh lớn gấp nhiều lần. Ngày thường, giá bán mỗi tệp bánh 100 cái là 13.500 đồng, dịp Tết giá tăng lên từ 15.000 - 16.000 đồng/tệp. Trung bình mỗi ngày, gia đình bà Thanh làm được từ 1,5 - 2 tạ gạo.
Ông Trần Hải, chồng của bà Thanh dùng những tấm phên nứa đốt để sấy bánh |
“Trời mưa phùn rồi lại dỡ, chúng tôi cứ phơi ra rồi lại cuốn vào liên tục, mệt rã rời. Nếu để dính nước mưa thì cả mẻ bánh coi như vứt đổ hết”, bà Thanh nói.
Sắp những phên bánh đã được sấy khô bằng hơi lửa lên xe, bà Trì (SN 1954) cho biết, bà làm công cho gia đình bà Thanh nhiều năm nay. Dịp Tết, bà được trả tiền công từ 150 - 200 ngàn đồng/ngày. “Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng tay chân phải làm liên tục mới kịp việc. Những ngày nắng ráo còn đỡ, những ngày mưa thì hầu như không được nghỉ tay”, bà Trì chia sẻ.
Phơi nắng đã vất vả thì phơi lửa lại càng cực nhọc bội phần, người làm phải đảo liên tục mới đảm bảo đều nhiệt để bánh có độ khô vừa phải |
Tận dụng những trục đường thôn, xóm ít người qua lại hay các khoảng đất trống để làm chỗ phơi bánh, gia đình chị Oanh (SN 1980), trú thôn Hòa, xã Thạch Hưng cũng hòa chung không khí cập rập như các hộ khác tại làng nghề. Để làm kịp số lượng bánh giao cho khách, gia đình chị phải thuê thêm 3 lao động tăng cường.
Làm giữa tiết trời lạnh sâu, chị Thanh phải mặc thật ấm, bịt kín để đảm bảo sức khỏe |
“Sản phẩm bánh đa nem bán lẻ cho khách hàng địa phương, các chợ trên địa bàn còn lại nhập sỉ cho khách hàng các tỉnh thành trên khắp cả nước, chủ yếu thị trường miền Nam”, chị Oanh nói.
Theo chị Oanh, nguyên liệu chính để làm nên bánh đa nem là gạo, đường và muối. Để có được bánh ngon, người thợ phải biết chọn loại gạo khô, ngâm và vò thật kĩ trước khi tráng bánh. Gạo thường được ngâm khoảng 2 - 3 tiếng, vắt thật kĩ rồi cho vào xay thành bột. Sau đó, bột được cho một ít muối và để ủ một thời gian trước khi tráng. Để bánh có màu, người làm bánh phải thắng đường lên đến độ cháy nhất định, đổ vào nước và hòa tan với bột.
Sau khi phơi khô bằng hơi lửa, những phên bánh được sắp lên xe chở về nhà, cắt, đóng thành tệp |
Khi tráng bánh, độ dày hay mỏng phụ thuộc vào sự điều chỉnh trên khuôn máy của người thợ. Bánh khi tráng xong được trải trên tấm phên và đem đi phơi. Quá trình phơi ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của bánh. Nếu trời mưa, không thu vào kịp bánh sẽ bị mốc, còn trời quá nắng bánh sẽ bị giòn và nứt vỡ.
Bà Trì vui vẻ cho biết, dù dịp Tết làm quần quật rất vất vả nhưng bù lại tiền công được tăng lên |
Bà Trần Thị Thanh, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Thạch Hưng cho biết, khó khăn lớn nhất của người dân làng nghề xã Thạch Hưng là quá trình phơi bánh, làm hoàn toàn bằng thủ công và phụ thuộc vào thời tiết. Về lâu dài, phải có chi phí để đầu tư hệ thống lò sấy cao, giải quyết được vấn đề thời tiết để đảm bảo hoạt động sản xuất thường xuyên.
Những chiếc bánh đa nem được làm từ gạo trắng, muối và đường cho ra lá vỏ cuốn nem rán giòn rụm |
“Hiện, chúng tôi đã làm hồ sơ xin cấp chứng nhận thương hiệu tập thể bánh đa nem Thạch Hưng. Để làng nghề phát triển, ổn định kinh tế cho người dân rất cần sự quan tâm của các ngành, các cấp, đặc biệt là hướng đi, đầu ra ổn định cho sản phẩm”, bà Thanh trăn trở.