Phương án xây dựng tuyến đường
Ngày 17/2, Phó Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội Võ Tuấn Anh ký Thông báo số 57/TB-VP truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn về phương án xây dựng tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) với Thủ đô Hà Nội trên địa bàn TP. Hà Nội.
Theo thông báo nêu, sau buổi làm việc với UBND tỉnh Bắc Ninh ngày 12/2 vừa qua, UBND TP. Hà Nội cơ bản thống nhất về phương án tuyến đường kết nối từ sân bay Gia Bình về trung tâm TP. Hà Nội (đoạn tuyến trên địa phận TP. Hà Nội).
Cụ thể, UBND TP. Hà Nội chọn phương án xây dựng mới đi trên cao về phía Bắc tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai đấu nối với nút giao giữa đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn và vành đai 3, tuyến đi trùng vành đai 3 và kết nối với đường dẫn cầu Tứ Liên về trung tâm Thủ đô Hà Nội với tổng chiều dài trên toàn tuyến (Bắc Ninh - Hà Nội) khoảng 49,52 km.
Theo UBND TP. Hà Nội, phương án tuyến trên địa bàn TP. Hà Nội cơ bản phù hợp với Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 27/12/2024.
Đồng thời, cơ bản thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng và chuẩn bị đầu tư và một số đoạn tuyến đi trùng với đường hiện trạng và tuyến đường triển khai dự án đầu tư (một phần đoạn tuyến vành đai 3 và đường dẫn cầu Tứ Liên khoảng 20,52 km), đảm bảo tiến độ triển khai theo yêu cầu.
![]() |
Thành phố Hà Nội thống nhất phương án xây dựng tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh với tổng chiều dài gần 50 km. Ảnh minnh họa: Hoài An |
Đảm bảo không ảnh hưởng đến không gian phát triển đô thị hai bên tuyến đường theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1668/QĐ-TTg và các quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn Hà Nội.
Đảm bảo khả năng kết nối với mạng lưới các tuyến đường giao thông cấp đô thị đã được xác định trong các đồ án quy hoạch được duyệt (đường Vành đai 3, Quốc lộ 5, đường nối cầu Giang Biên - Vĩnh Tuy - Vành đai 2, đường Hà Huy Tập...) và các tuyến đường sắt đô thị.
Phương án tuyến trên địa bàn TP. Hà Nội đảm bảo kết nối với đoạn tuyến đi qua địa phận tỉnh Bắc Ninh đã được tỉnh Bắc Ninh lựa chọn, đảm bảo thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng toàn tuyến đường.
Nghiên cứu nhánh rẽ ưu tiên tại cầu Tứ Liên
Ngoài ra, UBND TP. Hà Nội giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội chủ trì, phối hợp Sở Giao thông vận tải, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các đơn vị có liên quan, nghiên cứu phương án bổ sung nhánh rẽ ưu tiên hướng Gia Bình về Trung tâm Hà Nội tại đoạn giao giữa đường dẫn cầu Tứ Liên và vành đai 3 (nhánh bẻ cong và tạo thành đảo tam giác là điểm nhấn, không gian kiến trúc cảnh quan đô thị).
Nghiên cứu đồng thời phương án đấu nối với các tuyến đường vành đai và các cầu vượt sông Hồng (cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi...) để phát huy hiệu quả kết nối của tuyến đường từ kết nối sân bay Gia Bình về trung tâm TP. Hà Nội theo các hướng khác nhau.
Rà soát, kiểm tra về đề xuất quy mô của các nút giao của tuyến đường kết nối từ sân bay Gia Bình về trung tâm TP. Hà Nội với đường vành đai 3, đường dẫn cầu Tứ Liên và quy mô mặt cắt ngang đường vành đai 3 đoạn phía Bắc huyện Đông Anh nhằm khớp đồng bộ với tuyến đường nối từ sân bay Gia Bình về trung tâm TP. Hà Nội.
Theo UBND TP. Hà Nội, TP. Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh thống nhất quy mô toàn tuyến kết nối từ sân bay Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) về trung tâm TP. Hà Nội là khoảng 100-120 m (lựa chọn 120 m để phù hợp quy mô tỉnh Bắc Ninh dự kiến điều chỉnh 142 m về 120 m) và mở rộng nghiên cứu không gian phát triển đô thị dọc hai bên tuyến đường từ 300-400 m. Thống nhất với đề xuất phương án dịch chuyển đoạn tuyến đường kết nối từ sân bay Gia Bình về trung tâm TP. Hà Nội xuống phía Nam khoảng 100 m và dịch phương án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng đồng bộ đoạn giáp Khu công nghiệp VSHIP Bắc Ninh (để không ảnh hưởng KCN VSHIP Bắc Ninh)... |