Chiều nay (26/2), UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP và Chương trình hành động 07-CTr/TU ngày 9/1/2020 của UBND về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội năm 2020 trong bối cảnh tác động của dịch Covid- 19 để từ đó đưa ra các giải pháp để đảm bảo mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển đã đề ra.
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Các chuyên gia quốc tế đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến tăng trưởng của Trung Quốc và toàn cầu nghiêm trọng hơn dịch SARS, thiệt hại có thể gấp 3 - 4 lần. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo giảm 0,2%, xuống mức 2,3% trong năm 2020, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong thế kỷ trước.
"Việt Nam có đường biên giới dài với Trung Quốc, độ mở của nền kinh tế khá lớn, trong đó quy mô thương mại, lưu lượng khách du lịch, trao đổi lao động với Trung Quốc và Hàn Quốc rất lớn sẽ chịu tác động không nhỏ. “Dịch viêm phổi cấp Covid- 19 diễn biến rất nhanh, nghiêm trọng, phức tạp, khó lường đã, đang và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của TP”, ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết.
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,8% (cùng kỳ tăng 6,1%). Một số sản phẩm công nghiệp giảm mạnh như: Bia, rượu (giảm 23,2%); Giày, dép (giảm 5,5%); Sản phẩm bằng Plasstic (giảm 12,5%);... Kim ngạch xuất khẩu giảm 19% (cùng kỳ tăng 15,5%). Kim ngạch nhập khẩu giảm 20,7% (cùng kỳ tăng 10,4%). Tổng doanh thu ngành vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính chuyển phát giảm 0,9% (cùng kỳ tăng 12,3%). Khách du lịch giảm mạnh, trong đó, khách Trung Quốc giảm 60%; Malaysia giảm 34,9%; Singapore giảm 19,6%; Thái Lan giảm 13,4%;... Khách du lịch nội địa giảm 21,2%.
Do tác động dịch Covid- 19, nhiều khó khăn mà các doanh nghiệp sẽ gặp phải như thiếu nhân công từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản để vận hành hoạt động của các nhà máy, ảnh hưởng lớn tới sản xuất, gián tiếp ảnh hưởng tới hoạt động xuất, nhập khẩu. Nguồn nguyên vật liệu dự trữ có hạn, chủ yếu đủ phục vụ cho sản xuất đến hết tháng 3. Các doanh nghiệp trong nước và FDI của một số ngành như sản xuất thức ăn chăn nuôi, may mặc, điện tử… thiếu nguyên vật liệu đầu vào vì phụ thuộc lớn vào nhập khẩu.
Căn cứ tình hình 2 tháng đầu năm 2020, kịch bản tăng trưởng của cả nước, đánh giá tác động của dịch bệnh đến phát triển của các ngành, lĩnh vực và những tình huống giả định của dịch bệnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cũng đã xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2020 của TP Hà Nội. Cụ thể, Kịch bản 1, quý I hết dịch, quý II lấy lại đà tăng trưởng và quý III, IV bứt tốc để cả năm hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Kịch bản 2, quý I kiểm soát được dịch nhưng vẫn ảnh hưởng sang các quý sau, tăng trưởng không thể bứt tốc và cả năm đạt thấp hơn kế hoạch. Kịch bản 3, dịch bệnh kéo dài đến quý II và còn ảnh hưởng sang các quý tiếp theo, năm 2020 tăng trưởng thấp, không đạt kế hoạch. Các kịch bản được xây dựng dựa trên biến động của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ...
Về dự báo hụt thu ngân sách, nếu quý I hết dịch, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giảm khoảng 7.480 tỷ đồng. Nếu quý I hết dịch nhưng tình hình còn ảnh hưởng lớn đến các quý sau, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giảm khoảng 14.780 tỷ đồng. Nếu dịch bệnh được kiểm soát vào quý II và có thể lâu hơn, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giảm khoảng 18.680 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, các ý kiến đưa ra đều cho rằng, mục tiêu tăng trưởng từ 7,5% trở lên là thách thức rất lớn. Dù vậy, phía TP Hà Nội cho biết sẽ triển khai tổng thể nhiều giải pháp để đạt chỉ tăng trưởng GRDP năm 2020 đạt 7,5%.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị, trong các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, các đơn vị của TP cần tập trung vào cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, bởi đây là giải pháp dễ thực hiện và đỡ tốn kém nhất.
Ngoài ra, cần tính đến việc tháo gỡ các vướng mắc, đẩy mạnh đầu tư công; giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài; tạo ra môi trường thuận lợi, “thông thoáng” để khuyến khích đầu tư tư nhân; tăng các nguồn chi tiêu thường xuyên; đưa ra các hỗ trợ về vốn. Chủ tịch UBND TP yêu cầu phải có giải pháp cụ thể cho từng ngành nghề, lĩnh vực như nông nghiệp, may mặc, dịch vụ du lịch…
“Hiện chưa đánh giá được hết tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng đến cả nước và Hà Nội, nhưng mức độ ảnh hưởng sẽ phụ thuộc vào chương trình hành động của chúng ta. Mặc dù dịch bệnh đang ảnh hưởng nhiều đến các ngành nghề như du lịch, công thương,…Tuy nhiên, TP Hà Nội cũng nhìn thấy cơ hội và thuận lợi sau dịch như thương mại điện tử,…; tận dụng cơ hội của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tái cơ cấu tìm thị trường mới, thay đổi công nghệ”, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.