Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, quý I/2020 tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tăng 3,72% (cùng kỳ tăng 6,95%) - cao gấp 9 lần TP. Hồ Chí Minh (0,42%) nhưng thấp hơn cả nước (3,82%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,44% (cùng kỳ tăng 6,9%). Kim ngạch xuất khẩu giảm 18,1% (cùng kỳ tăng 12,9%); Kim ngạch nhập khẩu giảm 21,3% (cùng kỳ tăng 3%). Lượng khách du lịch đến Hà Nội giảm 47,2% (cùng kỳ tăng 9,1%).
Dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng toàn diện đến các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, trật tự; tác động tiêu cực đến các chỉ tiêu và cân đối lớn của Thành phố. Các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đều đạt thấp hơn so với cùng kỳ, tạo áp lực lớn trong việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội; số doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động tăng 36%; số lao động thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng 22,2% so với cùng kỳ. Chỉ số giá có xu hướng tăng cao hơn so với cùng kỳ, nhất là nhóm thực phẩm. Tiến độ thi công một số công trình còn chậm, ảnh hưởng tỷ lệ giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Theo thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp Hà Nội tăng 4,44% so với cùng kỳ. Đây là chỉ số tăng thấp nhất trong mấy năm trở lại đây |
Căn cứ kịch bản tăng trưởng của cả nước, tình hình và kết quả của các ngành, lĩnh vực trong quý I, Thành phố dự báo và xây dựng các kịch bản để phấn đấu đạt được mục tiêu cao nhất so với Kế hoạch năm 2020 đã đề ra (bằng khoảng 1,3 lần cả nước) với tốc độ tăng trưởng 7,5%.
Cụ thể, kịch bản 1, đến 22/4 hoặc 03/5/2020 hết thời gian thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc, các hoạt động của nền kinh tế được tháo gỡ từng bước và hoạt động bình thường vào đầu tháng 7/2020.
Kịch bản 2, dịch Covid- 19 cơ bản được khống chế trong quý II nhưng vẫn có nguy cơ lây lan đến hết năm 2020 do dịch bệnh của các quốc gia trên thế giới và trong khu vực chưa được kiểm soát nên việc khôi phục kinh tế và các hoạt động xã hội chưa thể ở mức bình thường mà chỉ duy trì ở mức tối thiểu.
Kịch bản 3, dịch Covid- 19 tiếp tục lây lan với tốc độ cao trong quý II không thể kiểm soát mặc dù đã thực hiện các biện pháp cách ly xã hội nên kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, để đạt được mức tăng trưởng 7,5% cho cả năm thì 9 tháng cuối năm phải tăng trưởng ở mức 8,6%. Đây là chỉ tiêu rất cao và cần rất nhiều nỗ lực mới có thể hoàn thành. Và nếu không đạt mức tăng trưởng trong năm 2020, thì tính chung giai đoạn 5 năm (2016-2020), thành phố cũng không đạt kế hoạch đề ra là từ 7,3 đến 7,8%. Đây là 1 trong 13 chỉ tiêu mà Đảng bộ thành phố trước đó đã đặt ra.
Để thực hiện nhiệm vụ “kép”, vừa phòng, chống dịch Covid- 19, vừa đảm bảo duy trì, phục hồi, tạo đà tăng trưởng kinh tế - xã hội của Hà Nội, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung quyết liệt, chủ động, sáng tạo trong triển khai đồng bộ các biện pháp phục hồi, phát triển kinh tế. Trong đó, thực hiện rà soát cụ thể, chi tiết từng dự án đầu tư công, xác định rõ khó khăn, vướng mắc để tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh thủ tục, thi công, giải ngân, tạo vốn thực hiện kích cầu phát triển kinh tế, xã hội. Cải cách triệt để các thủ tục hành chính; đơn giản hóa, cắt giảm thời gian giải quyết, nhất là thủ tục hành chính liên thông; đẩy nhanh tiến độ thực hiện 237 dịch vụ công còn lại của Thành phố, đồng thời mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 gắn với tuyên truyền để nhân dân tham gia sử dụng dịch vụ. Đơn giản các thủ tục cho vay sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm. Thúc đẩy phát triển mạnh ngành nông nghiệp, phấn đấu giá trị gia tăng năm 2020 tăng trên 4%. Thực hiện cắt giảm thêm ít nhất 5% chi thường xuyên ngoài kế hoạch tiết kiệm 10% chi từ đầu năm; rà soát cụ thể tình hình tài chính, ngân sách để xây dựng kịch bản điều hành chi ngân sách hiệu quả, kịp thời đáp ứng yêu cầu các nhiệm vụ cấp bách cũng như thường xuyên.
Căn cứ kịch bản tăng trưởng của cả nước, tình hình và kết quả của các ngành, lĩnh vực trong quý I/2020, Hà Nội đã xác định 3 kịch bản điều hành cho năm 2020; theo đó, kịch bản 1 là dịch bệnh sớm được kiểm soát, tăng trưởng GRDP cả năm đạt 7,5%, hoàn thành kế hoạch đề ra. Kịch bản 2 là dịch bệnh được kiểm soát vào quý III, GRDP cả năm đạt 6,42%. Kịch bản 3 là dịch bệnh kéo dài hết năm, tăng trưởng GRDP năm 2020 đạt 5,34%. Thành ủy xác định mục tiêu là phấn đấu đạt kịch bản 1 và bám sát mục tiêu kịch bản 2, duy trì tốc độ tăng GRDP luôn cao hơn 1,3 lần mức tăng chung GDP cả nước... |