Đây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại Công điện gửi Giám đốc các sở, ban, ngành thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã về việc nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành thành phố, người đứng đầu địa phương, cơ sở trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố.
Công điện nêu rõ, thời gian qua, trên địa bàn Thủ đô đã xảy ra một số vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh chính trị và đời sống của người dân.
Trước tình hình trên, Công an thành phố Hà Nội và các cấp, ngành thành phố đã chủ động tham mưu UBND thành phố ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn. Đồng thời tham mưu HĐND thành phố thông qua chủ trương ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là nhiệm vụ lớn, với nhiều giải pháp trọng tâm có tính đột phá, định hướng quan trong trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của Thủ đô.
Thời gian qua trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại lớn về người và tài sản. |
Thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục bám sát mục tiêu, yêu cầu, triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn.
Trong đó, phải thực sự quan tâm, chủ động trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước gắn với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo thẩm quyền; tập trung, quyết liệt trong chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật, các chuyên đề kế hoạch về phòng cháy, chữa cháy theo địa bàn, lĩnh vực quản lý.
Thủ trưởng các đơn vị, sở, ban, ngành thành phố; Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn phải xác định rõ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là của cả hệ thống chính trị và toàn dân, không phải chỉ riêng của lực lượng Công an.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân; chú trọng tuyên truyền các biện pháp, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm và kỹ năng xử lý các tình huống khi có sự cố cháy nổ xảy ra.
Tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy sớm, trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại chỗ, dụng cụ, thiết bị chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; mở lối thoát hiểm, thoát nạn thứ hai,… nhằm bảo đảm an toàn và kịp thời xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc chủ cơ sở, chủ hộ gia đình khắc phục các nội dung tồn tại, thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy đã được cơ quan chức năng hướng dẫn, kiến nghị khắc phục; kiên quyết xử lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giao Công an thành phố, trực tiếp là lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cùng các cấp, các ngành thành phố tiếp tục phát huy các thành tích đã đạt được, nỗ lực, phấn đấu hơn nữa trên các mặt công tác, luôn thường trực sẵn sàng lực lượng, phương tiện và các kế hoạch, phương án, kịp thời, nhanh chóng ra quân chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.