Hà Nội sẽ quy hoạch 2 thành phố trực thuộc Thủ đô Hà Nội: Chấn chỉnh việc lập, trình phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện |
Sáng 15/2, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã họp nghe báo cáo, cho ý kiến về tình hình, tiến độ xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Quang cảnh cuộc làm việc |
Theo UBND thành phố Hà Nội, đến thời điểm này, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị triển khai 13 bước xây dựng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đối với Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đề cương gồm ba nội dung: Phạm vi quy hoạch, sự cần thiết xây dựng Đề cương và định hướng cụ thể. Quy hoạch sẽ chú trọng ba nội dung quan trọng về không gian.
Trong đó, ngoài hai thành phố trực thuộc và ba khu vực không gian (không gian ngầm, không gian xanh, không gian công cộng), thành phố dự kiến xác định ba trục phát triển quan trọng, gồm: Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm; trục Hồ Tây-Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh; trục Nhật Tân-Nội Bài là trục đô thị thông minh...
Phát biểu tại cuộc làm việc, các chuyên gia đều khẳng định, việc Hà Nội xây dựng và điều chỉnh những quy hoạch này là làm nhiệm vụ của quốc gia, phải đặt Hà Nội trong tâm thế là trung tâm, trái tim của cả nước và là đại diện, đầu tàu trong trong hội nhập, cạnh tranh quốc tế. Do đó, chất lượng, hiệu quả, tính khả thi của quy hoạch phải đặt lên hàng đầu.
Đánh giá cao các báo cáo và Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, quy hoạch trước hết phải định vị Thủ đô trong tương lai là văn hiến, văn minh, hiện đại.
Đây là những đặc trưng đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như các nghị quyết, văn kiện của Trung ương, Thành phố.
Do đó, quy hoạch lần này phải tạo ra nguồn lực mới để xây dựng và phát triển Thủ đô và tạo ra những cực tăng trưởng mới, trong đó có 2 thành phố trực thuộc.
Đối với thành phố phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) - đây là thành phố về dịch vụ, thông minh, hội nhập và kể cả phát triển công nghiệp cũng chỉ là dịch vụ như logistics, công nghiệp phụ trợ phục vụ các chuỗi sản xuất công nghiệp xung quanh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.
Còn thành phố phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai), vốn đã có sẵn và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bàn giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong quý I. Vừa qua, thành phố đã khởi công tuyến cao tốc từ Hà Đông đi Xuân Mai.
Tới đây, UBND thành phố cần chỉ đạo nhanh chóng làm đường sắt trên cao đoạn này. Đồng thời nghiên cứu cải tạo Quốc lộ 21 (từ Sơn Tây đi Xuân Mai), qua đó tạo ra hạ tầng khung để hút dân ra.
Bày tỏ nhất trí về định hướng không gian với 3 trục phát triển quan trọng như đã nêu, Bí thư Thành ủy lưu ý, trong tính toán không gian phải nghĩ rộng ra và đặt ra Hà Nội trong liên kết Vùng Thủ đô.
Vì vậy phải nghiên cứu thêm về hạ tầng, kết nối được Hà Nội với các tỉnh như Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc bằng đường sắt.
Đây chính là lý do khi đề xuất xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, Hà Nội đã đề nghị kết hợp giải phóng mặt bằng luôn phần đất để tích hợp đường sắt quốc gia vào.
Bí thư Thành ủy cũng lưu ý, các quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch lần này phải kèm theo các phụ lục nêu rõ danh mục các dự án, các dự án ưu tiên thực hiện, để làm căn cứ huy động nguồn lực, triển khai. Tăng cường quán triệt, tuyên truyền về các quy hoạch nêu trên nhằm thay đổi nhận thức về phát triển.
Cần thiết phải lấy ý kiến nhân dân và tổ chức các hội thảo huy động sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia để qua đó vừa tiếp thu tinh hoa, trí tuệ của nhân dân, vừa tạo sự thống nhất, đồng thuận chung để triển khai thực hiện.