Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 ước tăng 3,98%
Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã khai mạc vào sáng ngày 28/12, tại đầu cầu Hà Nội, ông Chu Ngọc Anh - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết: GRDP năm 2020 ước tăng 3,98%, trong đó đã được thúc đẩy và phục hồi mạnh mẽ trong quý IV với mức tăng 5,77%; quy mô nền kinh tế TP đã ở mức 44 tỷ USD. Đây là nỗ lực rất lớn. Hết quý III/2020, TP có khả năng hụt thu 57-58 nghìn tỷ đồng, nhưng đến nay, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đã đạt 280.500 tỷ đồng, vượt dự toán và tăng 3,9% so với năm 2019 - năm thu ngân sách cao nhất từ trước đến nay. Nếu tính cả số thu ngân sách trên địa bàn do Cục Thuế TP quản lý thì tổng thu ngân sách trên địa bàn TP có thể đạt trên 340 nghìn tỷ đồng.
Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã khai mạc vào sáng ngày 28/12. Ông Chu Ngọc Anh- Chủ tịch UBND TP Hà Nội báo cáo tại đầu cầu Hà Nội. |
Giải ngân vốn đầu tư công TP cũng đạt 93% với quy mô 45.000 tỷ đồng trên địa bàn TP. Năm 2020, TP còn đạt được tỷ lệ vốn đầu tư phát triển đến 49%, chi thường xuyên chỉ còn 51%, tiết kiệm được 3.000 tỷ đồng chi thường xuyên tiếp tục dành cho đầu tư phát triển. TP cũng giải quyết trên 180.600 việc làm, đạt 116% kế hoạch; tỷ lệ thất nghiệp chỉ còn 2,3%.
Số lượng DN thành lập mới, quy mô đầu tư nước ngoài trên địa bàn cũng tiếp tục tăng. Năm 2020, có 26,44 nghìn DN thành lập mới với số vốn 337,69 nghìn tỷ đồng, nâng tổng số DN đăng ký trên địa bàn đến nay đạt 303,65 nghìn đơn vị. Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký ước đạt 4 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư xã hội năm 2020 ước đạt 420,06 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2019.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội vẫn tăng 4,2% - là mức tăng cao nhất trong 9 năm trở lại đây. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 55 triệu đồng/người/năm, tăng 3,5 triệu đồng/người/năm so với năm 2019; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt. Tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước” được phát huy mạnh mẽ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Hình ảnh Hà Nội bình yên, là điểm đến an toàn, thân thiện ngày càng lan tỏa với bạn bè quốc tế và nhân dân cả nước.
Nhiều giải pháp đột phá từ các Sở, ban, ngành
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, bước vào thực hiện kế hoạch năm 2020, Hà Nội có nhiều thuận lợi nhưng cũng có nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Có thể nói, TP. Hà Nội đã chuẩn bị kỹ càng trong vấn đề thu hút đầu tư. Do vậy, khi đại dịch được kiểm soát bước đầu, Thành ủy, HĐND, UBND TP đã có chỉ đạo các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã chuẩn bị cho công tác thu hút đầu tư đạt kết quả hết sức nổi bật. Cụ thể, tại Hội nghị Hợp tác đầu tư và phát triển năm 2020, TP. Hà Nội đã thu hút được 229 dự án với số vốn trên 400 nghìn tỷ đồng. Đây cũng là đóng góp hết sức tích cực vào quá trình thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế của TP. Do vậy, qua đánh giá về kết quả tăng trưởng GRDP năm 2020, TP. Hà Nội là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng cao với 3,98%, đã đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của cả nước.
Trong lĩnh vực Công Thương, theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan, trước tình hình đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế trong nước cũng như thế giới, ngành công thương đã đưa ra những giải pháp có tính chất đột phá để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế cho TP. Hà Nội. Trong lĩnh vực của công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu, ngành Công Thương là đơn vị đầu tiên tham mưu cho TP xây dựng kế hoạch kích cầu và triển khai nhiều chương trình kết nối cung cầu và chương trình khuyến mại tập trung để nhằm thu hút các DN tham gia đẩy mạnh sản xuất và giảm lượng tồn kho cho DN; tổ chức rất nhiều những hoạt động xúc tiến thương mại với các tỉnh TP để cân đối cung cầu trên địa bàn TP.
Bên cạnh đó, ngành Công Thương cũng quan tâm tăng trưởng thúc đẩy phát triển thương mại điện tử để phù hợp với tình hình mua sắm của người dân trong dịch Covid-19, thúc đẩy việc không sử dụng tiền mặt, tăng cường đầu tư hạ tầng công nghiệp. Kết quả các chỉ tiêu phát triển công nghiệp năm nay tăng 4,7%. Tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tăng 7,7%. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 2,7%. Chỉ số giá tiêu dùng của TP được kiểm soát. Đây là những cố gắng nỗ lực của ngành Công Thương cùng với các DN và các cấp các ngành vào cuộc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và góp phần tăng tổng mức GRDP của TP lên 3,98% và cao hơn so với bình quân chung bình cả nước.
Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết, năm 2020 là một năm hết sức đặc biệt, không những Thủ đô, mà cả đất nước bị ảnh hưởng rất nặng nề của dịch Covid-19. DN trong một số lĩnh vực phải tạm dừng hoạt động. Vì thế, công tác thu ngân sách gặp nhiều khó khăn. Về thu ngân sách, qua đánh giá của Cục Thuế có thời điểm dự báo hụt thu rất lớn. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 11/2020, có khoảng 14 quận, huyện, thị xã hoàn thành thu ngân sách. Đến nay, gần như 30 quận, huyện, thị xã đã tiệm cận với việc hoàn thành và vượt mức thu ngân sách. Về số thu ngân sách trên địa bàn Thủ đô, ước tính đạt 280.500 tỷ đồng, bằng 100,6% dự toán pháp lệnh, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là nỗ lực rất lớn của Thủ đô Hà Nội góp phần vào thu ngân sách quốc gia.
Bước sang năm 2021, TP. Hà Nội thực hiện năm chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và xây dựng 23 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế, xã hội, trong đó, phấn đấu GRDP tăng khoảng 7,5%. Chủ tịch TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, ngay đầu tháng 1/2021, đồng chí Bí thư Thành ủy, Thường trực Thành ủy sẽ chủ trì hội nghị với 30 quận, huyện để triển khai các chương trình hành động…
Về các đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Chủ tịch TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, hiện nay, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã có 3 nội dung báo cáo về Bộ Chính trị: Xung quanh định hướng điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Hà Nội dự kiến tháng 12/2021 để báo cáo Bộ Chính trị; sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Thủ đô dự kiến tháng 12/2021; báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11 về phương hướng nhiệm vụ phát triển thủ đô giai đoạn 10 năm qua để chuẩn bị cho 10 năm tiếp theo.
TP. Hà Nội đề nghị Chính phủ báo cáo với Quốc hội về việc triển khai kết hoạch đầu tư công trung hạn, theo Điều 89, Luật Đầu tư công, hiện nay có bất cập là dự án cho 2 kỳ kế hoạch đầu tư liên tiếp phải bảo đảm tổng số giá trị, tổng mức đầu tư của chương trình dự án được thực hiện kế hoạch đầu tư công của giai đoạn sau không vượt quá 20% giai đoạn trước....
Về Quy hoạch Hà Nội 10 năm, giai đoạn 2021-2030, và tầm nhìn 2045, Hà Nội đã có 4 nội dung báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, hỗ trợ trong việc bố trí vốn, lập và thẩm định dự toán, lựa chọn tư vấn và phương pháp triển khai....