Hà Nội: Vi phạm xây dựng “to như con voi”, cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu
Những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin về công trình xây dựng nhà ở gần ngõ 90 phố Đội Cấn (phường Đội Cấn, quận Ba Đình, TP. Hà Nội) vi phạm trật tự xây dựng. Điều lạ là công trình xây dựng trên tọa lạc ở vị trí gần UBND quận Ba Đình và phường Đội Cấn, thế nhưng đến nay tòa nhà đã xây hoàn thiện phần thô.
Liên quan đến công trình “to như con voi” có hành vi vi phạm trật tự xây dựng nêu trên, bên lề kỳ họp HĐND TP. Hà Nội sáng 5/12, trả lời báo chí, ông Hoàng Minh Dũng Tiến - Bí thư Quận ủy Ba Đình xác nhận và cho biết, quận đã lập biên bản vi phạm và có báo cáo thành phố về một số vi phạmtrật tự xây dựng tại công trình này.
Về hướng xử lý, ông Tiến cho biết thêm, quận sẽ xem xét toàn diện, rà soát trách nhiệm của các cá nhân liên quan, kể cả quá trình cấp giấy phép xây dựng có đúng với quy hoạch không. Quan điểm của quận là kiên quyết xử lý “không có vùng cấm”, đồng thời vi phạm đến đâu thì xử lý đến đó. Tuy nhiên, ông Tiến thừa nhận việc xử lý vi phạm này là "vấn đề khó" và cho biết trong quá trình xử lý, các cơ quan liên quan sẽ nghiên cứu, "không phải nói phạt cho tồn tại", mà phải xem xét tổng thể.
Công trình vi phạm xây dựng đã thi công hoàn thiện phần thô. (Ảnh: Quang Phong) |
Như vậy có thể thấy, công trình trên đã vi phạm xây dựng và bị chính quyền địa phương lập hồ sơ xử lý vi phạm. Thế nhưng, trước hết phải xem lại công tác kiểm tra, giám sát trật tự xây dựng đã được chính quyền sở tại làm hết trách nhiệm hay chưa? Bởi lẽ, dù chủ công trình có vi phạm khi thi công xây dựng không đúng giấy phép xây dựng được cấp, nhưng tại sao vi phạm đó vẫn được tiếp diễn và công trình đã xây hoàn thiện phần thô?
Nếu như chính quyền địa phương – trực tiếp là Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Ba Đình và UBND phường Đội Cấn kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh, triệt để thì liệu việc vi phạm có cơ hội để tồn tại hay không? Theo quy định của pháp luật, các cơ quan này hoàn toàn có quyền lập biên bản vi phạm, yêu cầu chủ công trình khắc phục vi phạm; trong trường hợp chủ đầu tư không khắc phục vi phạm, thì UBND quận Ba Đình có chế tài để xử lý, bằng hình thức cưỡng chế xử lý vi phạm. Vậy, nếu nói khó xử lý, thì ở chỗ nào?
Như đã thấy, đến nay công trình vi phạm “to như con voi” trên vẫn ung dung tồn tại. Trong khi, công trình vi phạm chỉ cách UBND quận Ba Đình và UBND phường Đội Cấn vài trăm mét. Ở đây, đúng là cần phải kiên quyết xử lý “không có vùng cấm”, nhưng bao giờ xử lý, phương án xử lý như thế nào, thì dư luận đang chờ câu trả lời từ các cấp chính quyền quận Ba Đình.
Nhiều ý kiến cho rằng, cũng cần phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm nêu trên. Bởi vì, người đứng đầu cơ quan quản lý giữ vai trò quan trọng trong công tác điều hành và cũng phải là người chịu trách nhiệm cao nhất đối với vi phạm trong hoạt động quản lý nhà nước, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng. Và, để xảy ra vi phạm tại công trình xây dựng nêu trên, không thể không có trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền phường, quận.
Trước tình trạng vi phạm trật tự xây dựng ở Hà Nội liên tiếp xảy ra, thậm chí với tính chất, mức độ còn nghiêm trọng hơn, các chuyên gia pháp lý đặt giả thiết rằng, có hay không sự “hậu thuẫn” của một số người đứng đầu cơ quan quản lý thì cá nhân, doanh nghiệp mới dám sai phạm? Và nếu như vậy, muốn xử lý tận gốc vấn đề này phải tìm ra những cá nhân liên quan đến sai phạm, kể cả từ nhiệm kỳ trước để đưa ra xử lý, đồng thời người kế nhiệm phải có trách nhiệm xử lý triệt để công việc tồn đọng. Chứ không có kiểu “phạt cho tồn tại”, hay thay vào đó là những câu lý giải quen thuộc rằng sai phạm tồn tại từ “nhiệm kỳ trước”.
Liên quan đến vấn đề xử lý tình trạng vi phạm xây dựng và nhiều địa phương xử lý vi phạm theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, trả lời báo chí, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa thẳng thắn đánh giá: “Do việc chấp hành của người dân cũng như của cơ quan quản lý nhà nước không nghiêm đã dẫn đến luật pháp, kỷ cương không nghiêm. Không ít những tình trạng người dân xây dựng không giấy phép, xây dựng không đúng với giấy phép, hoặc có những công trình được xây dựng trên khu vực đất được sử dụng sai mục đích... Điều đó cho thấy sự quản lý của cơ quan nhà nước lỏng lẻo, thiếu kiểm tra hoặc có trường hợp là tiêu cực, là cố ý “lơ đi” sai phạm”.
Vì thế, theo Đại biểu Phạm Văn Hòa, việc nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ, chức trách của cơ quan quản lý là cực kỳ quan trọng, trong việc lập lại trật tự kỷ cương đối với lĩnh vực xây dựng.
Để khắc phục tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, trước hết cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó các cấp chính quyền địa phương cần tăng cường công tác quản lý, giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm và triệt để hành vi vi phạm, nhất là lĩnh vực đất đai, xây dựng. Đặc biệt, cần nêu cao vai trò của người đứng đầu và phải gắn trách nhiệm khi những người “công bộc của dân” thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình.