Quận, huyện nào “đội sổ” số công trình vi phạm?
Nguồn tin riêng của Báo Công Thương cho biết, hôm qua 15/12, Sở Xây dựng TP. Hà Nội đã có Báo cáo hỏa tốc số 291/BC-SXD(TTr) gửi UBND TP. Hà Nội, về kết quả tổng kiểm tra, rà soát việc chấp hành pháp luật về đất đai, xây dựng sau vụ cháy chung cư mini thương tâm tại quận Thanh Xuân vào tháng 9 vừa qua.
Báo cáo dài 20 trang cùng 4 phụ lục, do ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hà Nội ký, đã hé lộ hàng loạt vi phạm trong công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội với những con số kỷ lục.
Tổng rà soát sau vụ cháy chung cư mini thương tâm tại quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội, lực lượng chức năng phát hiện gần 10.000 công trình sai phép, không phép |
Theo báo cáo, các lực lượng chức năng đã tổng kiểm tra 69.448 công trình, trong đó có 2.611 chung cư, 385 công trình xác định theo nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini), 30.298 nhà trọ, 36.154 nhà ở kết hợp kinh doanh sản xuất có nguy cơ cháy nổ cao và hiện đang tiếp tục kiểm tra, rà soát 33.580 công trình.
Kết quả kiểm tra phát hiện 2.294 công trình xây dựng sai phép, 7.326 công trình xây dựng không phép (thời điểm kiểm tra chủ hộ chưa cung cấp được giấy phép xây dựng, hiện lực lượng chức năng đang tiếp tục xác minh làm rõ nên chưa kết luận cụ thể); tổng số công trình sai phép, không phép là 9.620 công trình.
Trong đó, “đội sổ” số công trình không phép là huyện Đông Anh, với 5.795 công trình không phép; 1 công trình sai phép. Tiếp đó là quận Hai Bà Trưng với 855 công trình không phép; 15 công trình sai phép. Nam Từ Liêm là 559 công trình sai phép, 0 công trình không phép. Tây Hồ 260 công trình sai phép; 201 công trình không phép. Hoàn Kiếm là 216 công trình không phép; 28 công trình sai phép. Cầu Giấy 433 công trình sai phép, 0 công trình không phép. Thanh Xuân 353 công trình sai phép; 0 công trình không phép…
Như đã nói, đối với các công trình không phép tại các quận, huyện, thị xã, tại thời điểm kiểm tra chủ hộ chưa xuất trình được giấy phép xây dựng (trong đó có một số công trình thuộc diện miễn giấy phép xây dựng theo Luật Xây dựng), do đó, cơ quan chức năng cần tiếp tục xác minh, làm rõ nên chưa kết luận là vi phạm trật tự xây dựng.
Chung cư My House tại xã Tân Xã, huyện Thạch Thất là một trong những công trình vi phạm nổi cộm, gây bức xúc dư luận |
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP. Hà Nội, công tác quản lý trật tự xây dựng đối với các loại hình nhà ở được rà soát (bao gồm nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ ở) vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, tình trạng xây dựng sai phép, sai quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng vẫn xảy ra trên một số địa bàn quận, huyện, thị xã; một số công trình nổi cộm, gây bức xúc dư luận vẫn còn (điển hình công trình tại ngõ 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh xuân, TP. Hà Nội; chung cư My House tại xã Tân Xã, huyện Thạch Thất).
“Những hạn chế nêu trên một phần do sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các địa phương còn chưa kịp thời, thiếu sự quyết liệt; năng lực, nhận thức và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa cao; các quy định quản lý chưa được đồng bộ, chồng chéo, kém hiệu quả, chậm được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung; việc kiểm tra, xử lý sai phạm ở một số nơi chưa thường xuyên, còn tình trạng nể nang, né tránh, chậm xử lý hoặc xử lý chưa quyết liệt; sự bất cập về cơ chế, chính sách, tổ chức mô hình thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng cũng ảnh hưởng không ít đến quá trình thực thi công vụ của cán bộ làm công tác quản lý trật tự xây dựng”, Sở Xây dựng báo cáo.
Đề nghị phê bình 7 quận, huyện chậm báo cáo
Báo cáo của Sở Xây dựng TP. Hà Nội cũng chỉ ra rằng, trong quá trình triển khai thực hiện, một số UBND cấp huyện còn chưa chủ động trong quá trình tổ chức kiểm tra, rà soát; một số UBND cấp xã không quan tâm, vào cuộc, “giao khoán” cho lực lượng công an tổ chức kiểm tra, xử lý đối với cơ sở dẫn đến việc khi tổng hợp số liệu báo cáo về việc rà soát công tác cấp giấy phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng còn lúng túng, thiếu số liệu rà soát, dẫn đến chậm, muộn; một số UBND cấp huyện báo cáo còn sơ sài, số liệu báo cáo không thể hiện được kết quả kiểm tra, rà soát, không có phụ lục đính kèm; chưa thể hiện được số liệu đã kiểm tra, rà soát; chưa có thông tin đối với việc xử lý các vi phạm…
Đáng chú ý, theo báo cáo của Sở Xây dựng, một số UBND cấp huyện còn có dấu hiệu bỏ qua vi phạm. “Một số UBND cấp huyện kiểm tra, rà soát nhưng không xác định, không làm rõ vi phạm, có dấu hiệu bỏ qua vi phạm nếu không làm triệt để, dứt điểm, kiên quyết… dẫn đến khó khăn trong công tác tổng hợp, tham mưu UBND thành phố trong việc xử lý các vi phạm…”, Sở Xây dựng TP. Hà Nội cho biết.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP. Hà Nội phê bình nghiêm khắc đối với UBND 7/30 quận, huyện, gồm Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên, Thanh Oai, Phú Xuyên và Hoài Đức do chậm báo cáo, chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội; yêu cầu các đơn vị nghiêm túc, rút kinh nghiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ được UBND thành phố giao, đảm bảo chất lượng, tiến độ, tính chính xác trong công tác báo cáo…
Đồng thời, đề nghị UBND TP. Hà Nội giao Công an thành phố chủ trì, tổng hợp, tham mưu, dự thảo văn bản của UBND thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo chỉ đạo tại các Công điện: Số 796/CĐ-TTg ngày 13/9/2023, số 825/CĐ-TTg ngày 15/9/2023, số 991/CĐ-TTg ngày 22/10/2023; báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện các công điện trong một báo cáo; phối hợp với Sở Xây dựng trong việc tham mưu, báo cáo Bộ Xây dựng…
Báo Công Thương sẽ tiếp tục thông tin./.