Vì sao hóa đơn tiền điện tại Hà Nội tăng? Hà Nội: Thêm 2 nạn nhân bị lừa đảo qua mạng với thủ đoạn không ngờ Hà Nội: 104 sản phẩm OCOP đạt 4 sao năm 2023 |
Ngày 4/3, thông tin từ Cục Thống kê Hà Nội cho biết, ước tính đến cuối tháng 2/2024, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội ước tính đạt hơn 5,43 triệu tỷ đồng, tăng 0,84% so với tháng trước và tăng 1,79% so với thời điểm kết thúc năm 2023.
Tín dụng Hà Nội tăng bất chấp nền kinh tế cả nước suy giảm |
Về tín dụng, ước tính đến cuối tháng 2/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Hà Nội đạt 3,688 triệu tỷ đồng, tăng 0,93% so với tháng trước và tăng 1,96% so với cuối năm 2023.
Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn ở mức 1,536 triệu tỷ đồng, tăng 2,04% so với cuối năm 2023; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 2,152 triệu tỷ đồng, tăng 1,9%. Tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng ở mức 1,85%.
Dư nợ cho vay theo chương trình tín dụng trên địa bàn thành phố: Cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chiếm 15,6% trong dư nợ cho vay; cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 19,05%; chương trình nông nghiệp, nông thôn chiếm 9%; cho vay xuất khẩu chiếm 5,18%; cho vay công nghiệp hỗ trợ chiếm 2,35%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 0,36%; cho vay chính sách xã hội chiếm 0,44%.
Lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 8,1-10,2%/năm.
Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) bình quân khoảng 3,8%/năm.
Trước đó, tín dụng của cả nước đến cuối tháng 1 giảm 0,6% so với đầu năm 2023, trong đó, nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước giảm 0,88%; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần giảm 0,51%; nhóm ngân hàng 100% vốn nước ngoài giảm 0,32%; nhóm ngân hàng liên doanh giảm 3,41%.
Thực tế, cộng đồng doanh nghiệp đã bắt đầu quay trở lại tập trung sản xuất, kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng trong nước cải thiện, doanh nghiệp xuất khẩu cũng có tín hiệu tích cực về đơn hàng... Nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh vì thế cũng sẽ tăng cao, dự báo tăng trưởng tín dụng có thể phục hồi tăng trở lại ngay từ tháng 3 này. Và các ngân hàng cũng sẽ nắm bắt được tín hiệu của thị trường để chủ động đẩy mạnh cho vay, đảm bảo kế hoạch tăng trưởng.
Các chuyên gia của Trung tâm phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo, dư địa tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trong năm nay có thể được hậu thuẫn mạnh từ khối doanh nghiệp xây dựng hạ tầng, doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Ngoài ra, các lĩnh vực ưu tiên, như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghệ cao… cũng sẽ thu hút nguồn vốn tín dụng đáng kể và tăng trưởng cao ở nhiều ngân hàng thương mại.