Sáng ngày 28/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác phát triển kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp giai đoan 2016-2020 trên địa bàn TP. Hà Nội.
Trình bày báo cáo tại hội nghị, bà Hoàng Thị Huyền – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng điều phối Nông thôn mới thành phố (TP) - cho biết, hiện trên toàn địa bàn có 1.235 HTX nông nghiệp, trong đó có 1.090 HTX đang hoạt động, 145 HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể. Trong những năm qua, các HTX nông nghiệp có vai trò chủ đạo trong việc cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu và tiếp thị sản phẩm, hỗ trợ cho người nông dân thuận lợi và yên tâm sản xuất, tăng thêm thu nhập trong điều kiện cạnh tranh trên thị trường. Toàn TP hiện có 70 HTX tham gia liên kết chuỗi trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 50 HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; 53 HTX với 180 sản phẩm được TP đánh giá, phân hạng và công nhận là sản phẩm OCOP.
![]() |
Kinh tế tập thể, HTX của Thủ đô Hà Nội ổn định, tiếp tục phát triển theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ. Tổ chức bộ máy, tư cách thành viên đảm bảo theo quy định của Luật, các HTX đã đảm bảo các dịch vụ cho các thành viên, hộ gia đình; nhiều HTX đã nêu cao tinh thần tự chủ, chủ động khắc phục khó khăn, mở rộng kinh doanh, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vào sản xuất, năng suất và hiệu quả được nâng lên. Các mô hình HTX kiểu mới, gắn sản xuất với chuỗi giá trị sản phẩm ngày càng nhiều.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp cùng nhau bàn thảo những tồn tại, hạn chế và từ đó đề xuất những giải pháp để kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn tới phát triển bền vững hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện vai trò của các HTX vẫn còn đang mờ nhạt, lợi ích mang lại cho các thành viên chưa cao, chưa thiết thực nên thành viên thiếu tin tưởng vào HTX. Phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ của HTX chậm đổi mới, chủ yếu kinh doanh dịch vụ truyền thống, tính cạnh tranh không cao, do đó, hiệu quả hoạt động kinh doanh dịch vụ của HTX thấp. Trong khi đó, các HTX chuyên ngành mới được thành lập đang hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, việc phát triển về số lượng còn hạn chế do khó tích tụ, tập trung ruộng đất để hình thành khu sản xuất tập trung, quy mô lớn cho HTX…
Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể của một số chính quyền, cán bộ và nhân dân chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, chưa đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, những HTX nông nghiệp thành lập từ những năm 1960 tư duy chậm đổi mới, thụ động trong kinh doanh dịch vụ. Các HTX chuyên ngành muốn phát triển được thì phải tích tụ tập trung ruộng đất để mở rộng đầu tư, tuy nhiên, việc tích tụ, tập trung ruộng đất chưa có sự chỉ đạo về chủ trương nên khó khăn trong việc tập trung đất đai….
Để phát huy được hiệu quả của kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn tới, ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội - cho rằng, cần phát triển các HTX chuyên ngành nhằm liên kết sản xuất với chế biến, kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Các trang trại nông nghiệp cũng cần phải liên kết với các doanh nghiệp. “Kinh tế thị trường không thể đi lên từ kinh tế hộ, mà cần chuyển đổi thành các doanh nghiệp nông nghiệp, HTX nông nghiệp chuyên ngành”, ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, phải có trung tâm phát triển nông nghiệp của xã đứng ra làm cầu nối để hình thành các HTX chuyên ngành, cũng như cầu nối giữa doanh nghiệp thuê đất của người dân, người dân yên tâm cho thuê đất.
Song song với việc phát triển các HTX chuyên ngành, cần thành lập các HTX toàn xã. Các HTX này sẽ tinh túy, cơ cấu lại để khai thác lợi thế kinh tế tập thể và làm những việc mà HTX chuyên ngành không thể làm được.
Ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội - nhận định, giai đoạn 2021- 2025 là giai đoạn đổi mới toàn diện nông nghiệp gắn với phát triển nông thôn trong bối cảnh kinh tế đô thị, gắn bó chặt chẽ với Chương trình nông thôn mới. Nếu chỉ dừng lại ở kinh tế hộ, sản xuất truyền thống thì sẽ không có động lực phát triển. Do đó, cần tập trung nguồn lực phát triển HTX áp dụng công nghệ cao, các cánh đồng chuyên canh, cơ giới hóa nông nghiệp. Nông nghiệp Hà Nội không chỉ dừng lại ở sản xuất nông nghiệp mà phải là kinh tế nông nghiệp, gắn với dịch vụ, chế biến sâu, tạo nền, tạo đà cho nông nghiệp nông thôn phát triển.
Do đó, để phát huy được hiệu quả của kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền Luật HTX năm 2012 và các văn bản pháp luật có liên quan đến phát triển kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, cần xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp điển hình, tiên tiến, nhất là các lĩnh vực ngành nghề mới, tạo điều kiện để các HTX mở rộng quy mô, phạm vi, địa bàn hoạt động. Gắn phát triển kinh tế tập thể với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý về đất đai xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất các HTX. Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định 1840/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn 2021- 2025. Duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của HTX.