Sự kiện do Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND Quận Hà Đông tổ chức nhằm cụ thể hóa Kế hoạch số 293/KH-UBND ngày 11/11/2022 của UBND TP. Hà Nội thực hiện Chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chương trình sẽ kết nối các chuỗi sản xuất, kích cầu tiêu dùng trong nước, thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh quảng bá sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, phát triển bền vững và ổn định.
Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành dệt may – thời trang năm 2023 gồm 6 khu trưng bày trung tâm đến từ các làng nghề của thành phố Hà Nội: Khu trưng bày lụa Vạn Phúc – Hà Đông; Khu trưng bày làng nghề may Vân Từ - Phú Xuyên; Khu trưng bày sản phẩm thêu, may huyện Thường Tín (khu trưng bày sản phẩm thêu và khu trưng bày sản phẩm áo dài, thời trang); Khu trưng bày Công ty Dâu tằm tơ Mỹ Đức; Khu trưng bày công nghiệp dệt may Hà Nội.
Chương trình đã giúp các nhà sản xuất, phân phối, người tiêu dùng tiếp cận những sản phẩm thân thiện môi trường và hình thành thói quen sản xuất, tiêu dùng bền vững |
Ngoài các khu trưng bày trung tâm trên, Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành dệt may – thời trang năm 2023 còn thu hút 30 gian hàng tiêu chuẩn đến từ các doanh nghiệp dệt may, thời trang của các nhà cung ứng trong và ngoài địa bàn Thành phố.
Chương trình thể hiện nỗ lực cũng như cam kết của thành phố Hà Nội trong việc luôn tích cực, chủ động hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, hướng tới phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế Xanh của Thủ đô. Chuỗi sự kiện sẽ đem đến cái nhìn tổng thể hơn về Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững, đồng thời làm phong phú hơn các sản phẩm du lịch Thành phố, phục vụ tốt nhất du khách đến với Thủ đô.
Ngành dệt may là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Viêt Nam, đóng góp tới 15% tổng giá trị xuất khẩu và có tốc độ tăng trưởng ổn định hàng năm 12%. Với hơn 7.000 nhà máy trên toàn quốc và sử dụng gần 3 triệu lao động, ngành này không chỉ quan trọng về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa rất lớn về mặt xã hội của Việt Nam.
Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, ngành dệt may tác động mạnh đến môi trường do sử dụng nhiều tài nguyên nước, xả thải các chất gây ô nhiễm, sử dụng nhiều năng lượng và đa dạng nhiên liệu như điện, than, dầu… để gia nhiệt trong sản xuất. Xanh hóa ngành dệt may, cải tiến công nghệ sản xuất theo hướng xanh, sạch, giảm thiểu sử dụng năng lượng để phù hợp với môi trường kinh doanh toàn cầu là cách để doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam nói chung và của thành phố Hà Nội nói riêng nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Chương trình thể hiện nỗ lực cũng như cam kết của thành phố Hà Nội trong việc luôn tích cực, chủ động hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường.