Chiều ngày 10/9, theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, thị trường đồ cứu trợ đã cạn sạch nhiều mặt hàng, giá không có nhiều thay đổi so với ngày thường.
Cụ thể, trên đường Lê Duẩn, Hà Nội nổi tiếng là phố bán đồ bảo hộ lao động, áo phao là mặt hàng được bán hết sạch. Cô Trần Thị Thuỷ - chủ cửa hàng bán đồ lao động ở số 122 Lê Duẩn, Hà Nội chia sẻ, áo phao đã hết từ mấy hôm nay, cô đặt hàng nhưng chưa có.
Cửa hàng của cô Thuỷ đã bán "sạch" áo phao cứu hộ trong một thời gian ngắn. Ảnh: Minh Phương |
Những ki-ốt bán đồ bảo hộ trên đường Lê Duẩn, Hà Nội tấp nập người mua bán. Ảnh: Minh Phương |
Cách đó không xa, trên phố Yết Kiêu những cửa hàng bán đồ bảo hộ lao động như nhà chú Kiên cũng hết hàng. Cạnh đó, chị Lê Thị Hồng bán đồ bảo hộ lao động đã nhiều năm nay ở 73 Yết Kiêu, Hà Nội nói: “Hôm qua có đoàn thiện nguyện mua hết áo phao để lên miền núi, tôi đặt thêm hàng nhưng chưa có" - chị Hồng chia sẻ, ai đặt chị mới lấy hàng vì nhà sản xuất không vận chuyển kịp do mưa lũ.
Cô Vân, nhân viên cửa hàng của chị Hồng nói thêm: “Dù họ lấy hết áo pháo nhưng chúng tôi vẫn giữ nguyên giá sau đó chúng tôi giảm giá chỉ còn 90.000 đồng/chiếc để hỗ trợ bà con trong vùng bão lũ…”
Áo phao là mặt hàng được nhiều hội nhóm tình nguyện tìm mua. Ảnh: Minh Phương |
Với những cửa hàng bảo hộ lớn hơn, áo phao cũng đang "cháy hàng". Ảnh: Minh Phương |
Đồ bảo hộ nhà chị Hồng là mặt hàng đã vơi đi đáng kể trong những ngày qua. Ảnh: Minh Phương |
Anh Quốc Khánh, chủ một cửa hàng tạp hoá ở Tôn Thất Tùng, Hà Nội chia sẻ, từ hôm qua (9/9) anh đã bán được rất nhiều mì tôm bằng mấy tháng trước cộng lại, đa số khách mua theo thùng. Theo anh Khánh, anh vẫn giữ giá bình ổn từ 110.000 – 250.000 đồng/thùng tuỳ loại mì tôm dù giá có lên và vận chuyện gặp khó khăn.
Cửa hàng tạp hoá của anh Khánh liên tục có khách mua mì tôm. Ảnh: Minh Phương |
Tại cửa hàng tạp hoá mì tôm được bày bán khắp lối đi. Ảnh: Minh Phương |
Cô Trang, chủ một cửa hàng đồ khô ở chợ Đông Tác, Hà Nội cho hay: “Các hàng hoá như gạo, mỳ chũ, lương khô, bánh kẹo… Cũng được nhiều khách hàng chọn mua để đi thiện nguyện và dự trữ phòng ngập lụt lên cao...".
Sạp bán đồ khô của cô Trang ở chợ Đông Tác, Hà Nội đã "sạch bay" lương khô. Ảnh: Minh Phương |
Nhìn chung, theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, giá các mặt hàng cứu trợ vẫn bình ổn, chỉ có một vài mặt hàng khan hiếm hơn bởi vận chuyển khó khăn như: Áo phao, lương khô,...
Trao đổi nhanh với báo chí sáng ngày 10/9 về kế hoạch đảm bảo phân phối hàng hoá cho các tỉnh, thành đang bị ngập lụt do ảnh hưởng của bão số 3, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương thông tin, trước tình hình mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương phía Bắc, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Sở Công Thương các địa phương đã khẩn trương nắm bắt tình hình, triển khai các nhiệm vụ cung ứng hàng hóa trước thời điểm cơn bão số 3 đổ bộ vào miền Bắc. Do đó đã có sự chuẩn bị nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu đảm bảo phục vụ nhân dân. Người dân đã chủ động mua sắm, dự trữ hàng hóa trước khi bão số 3 đổ bộ.
Ngay trong ngày 07/09/2024, Bộ Công Thương đã có Công văn số 6813/BCT-TTTN gửi Sở Công Thương tại 35 tỉnh/thành phố để chuẩn bị, điều phối hàng hóa thiết yếu nói chung và mặt hàng xăng dầu nói riêng nhằm kịp thời cung ứng, đảm bảo số lượng hàng hóa, lương thực, thực phẩm cần thiết, sẵn sàng huy động đưa ra thị trường phục vụ nhân dân. Bằng mọi cách không để thiếu hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân, kể cả vùng bị cô lập.