Cụ thể, Trưởng Ban Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã ra Quyết định thành lập 1 Tiểu ban chỉ đạo kiểm tra, xử lý và 2 Đoàn kiểm tra liên ngành đối với các mặt hàng mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, thiết bị y tế... trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ hơn 11.000 sản phẩm nước hoa, kem dưỡng da, đắp mặt, xịt mùi cơ thể, nước tẩy trang các loại có nhãn hiệu do nước ngoài sản xuất chủ yếu là Dior, Chanel, Gucci, vanlentino, Louis Vuitton.... tại kho số 4 trong khuôn viên Công Ty Cổ Phần Đầu Tư - Xây Dựng Hà Nội có địa chỉ tại 76, ngõ 57 Phố An Dương, Tây Hồ, Hà Nội |
Tiểu ban chỉ đạo kiểm tra, xử lý và Đoàn kiểm tra liên ngành có các nhiệm vụ và quyền hạn như: Tổ chức phối hợp làm tốt công tác điều tra cơ bản, chỉ đạo kiểm tra theo Kế hoạch đã được ban hành.
Chỉ đạo việc tổ chức thực hiện kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật.
Trưởng Tiểu ban chỉ đạo phê duyệt các đề xuất kiểm tra của 2 đoàn kiểm tra liên ngành sau khi cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 Hà Nội đã rà soát.
Đồng thời, trong quá trình kiểm tra, Tiểu ban chỉ đạo sẽ có phiếu giao việc cho 2 đoàn kiểm tra đối với những địa điểm cần thiết phải kiểm tra.
Bên cạnh đó, trưởng các đoàn kiểm tra liên ngành chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Trưởng Tiểu ban chỉ đạo về quản lý, điều hành mọi hoạt động của đoàn kiểm tra theo chức năng và nhiệm vụ được giao, địa bàn được phân công theo Kế hoạch số 15/KH-BCĐ389/TP, ngày 29/6/2021 của Ban chỉ đạo 389 Hà Nội.
Trưởng các đoàn kiểm tra liên ngành được sử dụng ấn chỉ của Đội Quản lý thị trường mình phụ trách để tổ chức kiểm tra đột xuất đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh có hành vi vi phạm và xử lý nghiêm các hành vi phạm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Trong quá trình thực hiện kế hoạch, các đoàn kiểm tra chủ động trinh sát, nắm bắt các đối tượng và đề xuất kiểm tra gửi về Cục Quản lý thị trường Hà Nội (đầu mối là phòng kiểm tra - phối hợp liên ngành) để rà soát và trình Trưởng Tiểu ban chỉ đạo phê duyệt trước khi tiến hành kiểm tra.
Trong một số trường hợp đặc biệt, Trưởng Tiểu ban chỉ đạo có phiếu giao việc kiểm tra, xử lý cho 2 Đoàn kiểm tra và một số Đội Quản lý thị trường địa bàn phối hợp kiểm tra hoặc giao cho các Đoàn kiểm tra chéo địa bàn theo Kế hoạch số 15/KH-BCĐ389 TP, ngày 29/6/2021 của Ban chỉ đạo 389 Hà Nội. Các Đoàn kiểm tra hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình kiểm tra, xử lý.
Thực hiện chế độ báo cáo về Tiểu ban chỉ đạo và Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 Hà Nội theo quy định.
Tiểu ban chỉ đạo kiểm tra, xử lý và các Đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức thực hiện kiểm tra trong vòng 110 ngày kể từ sau ngày 1/7/2021 đến ngày 20/10/2021.
Trước đó, vào cuối tháng 6/2021, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã xuyên đêm kiểm đếm kho nước hoa “khủng” có dấu hiệu là hàng giả tại Kho số 4 trong khuôn viên Công Ty Cổ Phần Đầu Tư - Xây Dựng Hà Nội có địa chỉ tại 76, ngõ 57 Phố An Dương, Tây Hồ, Hà Nội. Kiểm đếm thực tế tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 11.821 sản phẩm nước hoa, kem dưỡng da, đắp mặt, xịt mùi cơ thể, nước tẩy trang các loại có nhãn hiệu do nước ngoài sản xuất chủ yếu là Dior, Chanel, Gucci, vanlentino, Louis Vuitton.... Tại thời điểm kiểm tra, chủ kho hàng không xuất trình được bất cứ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của kho hàng hóa. Toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm sở hữu công nghiệp, hàng giả.
Cũng trong tháng 6, lực lượng quản lý thị trường phối hợp lực lượng chức năng tạm giữ 4.250 sản phẩm nước hoa các loại Gucci, Chanel, Dior do nước ngoài sản xuất tại cửa hàng nước hoa 91 Hàng Gà vì không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của hàng hóa. Được biết, phải sau 12h đồng hồ lực lượng quản lý thị trường mới phân loại, kiểm đếm xong dưới sự chứng kiến của chủ cửa hàng và các thành phần trong đoàn công tác.
Hay trước đó, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội cũng tạm giữ 480 con đông trùng hạ thảo đựng trong 36 vỉ hút chân không tại cơ sở kinh doanh Đông trùng hạ thảo ở căn hộ 16-5A thuộc khu đô thị Vinhomes Symphony, Long Biên, Hà Nội. Tất cả đều không có nhãn mác, bao bì sản phẩm, công dụng cũng như hướng dẫn sử dụng…. Làm việc với Đoàn kiểm tra, chủ cơ sở cho biết toàn bộ số hàng hóa được nhập qua mạng từ một người không quen biết. Sau đó được bảo quản trong tủ lạnh và đăng bán trên nền tảng thương mại điện tử, chủ yếu qua facebook dưới tài khoản “Thủy Phạm”. Tại cơ sở kinh doanh, chủ cơ sở dành một khoảng rộng để dựng biển hiệu với nội dung “Đông trùng VIP Đông trùng hạ thảo Tây Tạng” phục vụ quá trình livetreams bán hàng.
Theo lãnh đạo Đội Quản lý thị trường số 1 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội, đây là một trong những vụ kinh doanh đông trùng hạ thảo không rõ nguồn gốc trên nền tảng thương mại điện tử lớn nhất từ trước đến nay được Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra, phát hiện và xử lý.