Cụ thể, đối với CCN Cầu Bầu - giai đoạn 2 (huyện Ứng Hòa) có quy mô khoảng 5,29 ha, phục vụ ngành nghề của làng nghề xã Quảng Phú Cầu sản xuất đồ gia dụng, chế biến lâm sản, sản xuất công cơ khí và dịch vụ phục vụ CCN. Việc xây dựng CCN Cầu Bầu nhằm phục vụ di dời, mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề xã Quảng Phú Cầu, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ trong khu dân cư, phát triển làng nghề địa phương. Tổng mức đầu tư khoảng 128,328 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án theo kế hoạch từ quý II/2019 đến quý IV/2020.
Hà Nội thành lập 3 khu, cụm công nghiệp làng nghề |
Đối với cụm công nghiệp làng nghề Dị Nậu, tại xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất, có quy mô 10ha. Cụm công nghiệp làng nghề này được hình thành nhằm phục vụ ngành nghề của làng nghề Dị Nậu; sản xuất đồ gỗ, sản phẩm từ gỗ, nội thất gia dụng; dịch vụ phục vụ cụm công nghiệp.... Đồng thời phục vụ mục tiêu cấp bách di dời các cơ sở gây ô nhiễm, phòng chống cháy nổ nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư trên địa bàn xã Dị Nậu; đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan cụm công nghiệp làng nghề Dị Nậu đáp ứng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo các tiêu chuẩn nhằm thỏa mãn tốt nhất yêu cầu của các hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn; giải quyết vấn đề nhu cầu về nhà xưởng sản xuất của làng nghề, hạn chế vấn đề lấn chiếm đất làm nhà xưởng, giảm ô nhiễm môi trường. Tổng mức đầu tư cụm công nghiệp khoảng 267,570 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ quý III/2019 đến quý I/2021.
Cụm công nghiệp làng nghề Chàng Sơn - Giai đoạn 2 có quy mô 15,3ha. Ngành nghề hoạt động chủ yếu là sản xuất đồ gỗ, sản phẩm từ gỗ, nội thất gia dụng; dịch vụ phục vụ cụm công nghiệp… Tổng mức đầu tư khoảng 358,34 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ quý III/2019 đến quý I/2021. Mục tiêu nhằm hình thành cụm công nghiệp để tận dụng tối đa và hiệu quả diện tích đất quy hoạch, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ gia đình hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, vận tải, cung ứng nguyên vật liệu; bổ sung những hạ tầng còn thiếu của cụm công nghiệp hiện có như: Nhà điều hành, trung tâm dịch vụ thương mại giới thiệu sản phẩm, hệ thống xử lý nước thải, rác thải và hệ thống phòng chống cháy nổ; Giải quyết vấn đề nhu cầu về nhà xưởng sản xuất của làng nghề, hạn chế vấn đề lấn chiếm đất làm nhà xưởng, giãn mật độ sản xuất trong khu dân cư; giảm ô nhiễm môi trường nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với các khu, cụm công nghiệp như sau: Chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, ngày 25/5/2017, của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và các quy định của pháp luật có liên quan.