Hà Nội: Tạo điều kiện để người lao động tiếp cận vốn vay ưu đãi
Theo Kế hoạch số 159/KH-UBND về nâng cao hiệu quả nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách TP. Hà Nội ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) thành phố năm 2021 đã được bổ sung 550 tỷ đồng và sẽ bổ sung giai đoạn 2022-2025 là 2.000 tỷ đồng, bình quân mỗi năm bổ sung 500 tỷ đồng. Nguồn vốn vay giải quyết việc làm của thành phố được triển khai thực hiện theo nguyên tắc đối tượng cho vay là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hộ sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, chủ trương của Hà Nội là nguồn vốn tín dụng chính sách giải ngân qua Ngân hàng CSXH từ nguồn ủy thác của ngân sách thành phố sẽ góp phần thu hút, tạo việc làm ổn định bình quân cho 31.000 lao động/năm, tương đương 19% chỉ tiêu giải quyết việc làm của thành phố hàng năm giai đoạn 2021-2025. Trong đó, năm 2021, thu hút, tạo việc làm ổn định cho khoảng 25.100 lao động; năm 2022 là 28.000 lao động; năm 2023 là 31.000 lao động; năm 2024 là 34.000 lao động; năm 2025 là 37.000 lao động. Mặt khác, đối với chỉ tiêu chất lượng tín dụng, tỷ lệ thu nợ/nợ đến hạn tại Ngân hàng CSXH thành phố tối thiểu đạt 98%; nợ quá hạn duy trì ở mức dưới 0,05%.
Người lao động đang có điều kiện thuận lợi để tiếp cận nguồn vốn vay |
Để kế hoạch được triển khai hiệu quả, Hà Nội sẽ tăng cường nâng cao nhận thức, vai trò của chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, cơ quan liên quan và mọi tầng lớp nhân dân trong việc triển khai tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa hoạt động tín dụng chính sách trở thành công cụ hữu hiệu cho cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Đồng thời, huy động, tập trung các nguồn lực xã hội về một đầu mối là Ngân hàng CSXH, đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách ổn định, bền vững. Ủy ban nhân dân thành phố và quận, huyện, thị xã quan tâm bố trí ngân sách hàng năm chuyển qua Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay giải quyết việc làm của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn; các tổ chức chính trị - xã hội; các điểm giao dịch của Ngân hàng CSXH tại xã, phường, thị trấn, đảm bảo chuyển tải kịp thời, có hiệu quả vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng. Gắn việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, an sinh xã hội cũng như các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học - công nghệ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh tại địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong 6 tháng năm 2021, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho gần 100.000 lao động, đạt hơn 60% kế hoạch cả năm, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số tiền thành phố cho vay để giải quyết việc làm trong 6 tháng đầu năm là 1.282 tỷ đồng. Ngoài ra, Hà Nội cung cấp thông tin đa chiều về thị trường lao động, tổ chức hơn 111 phiên giao dịch việc làm trực tiếp, lưu động, trực tuyến, giúp người lao động dễ dàng tiếp cận với thị trường lao động...
Các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội luôn tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để tự tạo việc làm. Từ nay đến cuối năm 2021, thành phố phấn đấu giải quyết việc làm tối thiểu cho 160.000 lao động. |