Đây là chỉ đạo của bà Trần Thị Phương Lan – Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội tại Hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước về công thương cấp huyện 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 do Sở Công Thương tổ chức chiều 25/6.
Vẫn vướng trong công tác cải tạo và xây dựng mới chợ
Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, các nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu của Hà Nội đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác quản lý nhà nước về chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; an toàn thực phẩm; quản lý giá, bình ổn thị trường, cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của nhân dân được thực hiện tốt.
Hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước về công thương cấp huyện |
Trong công tác quản lý nhà nước về cụm công nghiệp, Sở đã phối hợp với UBND các huyện Gia Lâm, Thường Tín báo cáo UBND Thành phố tiếp tục thực hiện thủ tục bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp đối với 8 cụm công nghiệp vào Quy hoạch cụm công nghiệp TP.Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030; phối hợp với UBND các huyện Chương Mỹ, Phúc Thọ, Ứng Hòa tổ chức khởi công đầu tư hạ tầng kỹ thuật 4 cụm công nghiệp, nâng tổng số cụm công nghiệp đã được khởi công lên 24/43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập giai đoạn 2018 - 2020.
Các quận, huyện, thị xã đã chủ động ban hành và triển khai Kế hoạch phát triển thương mại điện tử, dịch vụ logistics trên địa bàn, góp phần cải thiện các chỉ số xếp hạng thương mại điện tử và logistics của Hà Nội năm 2024; tích cực triển khai đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ.
Sở cũng đã phối hợp với các Sở, ngành cho ý kiến tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện đầu tư, xây dựng, cải tạo các chợ như: Chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa); chợ Trát Cầu, chợ Kệ, chợ Vồi (huyện Thường Tín); khảo sát, nghiên cứu khả thi dự án xây dựng chợ đầu mối quốc tế nông sản tại TP.Hà Nội (dự kiến tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm).
Về đầu tư xây mới chợ, hiện Hà Nội có 6 chợ đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng đã được phân hạng và đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị phân hạng; 2 chợ đang hoàn thiện nốt hạng mục công trình dự kiến hoàn thành trong quý II/2024; 3 chợ đang thi công xây dựng; 5 chợ đang giải phóng mặt bằng; 15 chợ đã hoàn thành thủ tục đầu tư chuẩn bị đầu tư năm 2024 hoàn thành năm 2025.
Về cải tạo, nâng cấp chợ, có 18 chợ đã hoàn thành tải tạo, nâng cấp; 6 chợ đang trong giai đoạn thi công; 6 chợ chuẩn bị khởi công, dự kiến hoàn thành năm 2024; 14 chợ chuẩn bị đầu tư dự kiến khởi công và hoàn thành năm 2025; 09 chợ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự kiến khởi công năm 2025.
Đến nay, Sở Công Thương đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn các đơn vị hoàn thiện điều kiện và cấp biển nhận diện cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn cho gần 2.800 cơ sở đáp ứng yêu cầu theo quy định, xây dựng 22 trạm xét nghiệm nhanh để phục vụ công tác lấy mẫu xét nghiệm để giám sát thực phẩm tại chợ; 24/30 quận, huyện, thị xã đã triển khai xây dựng và ban hành quy chế về quản lý đảm bảo an toàn thực phẩm đối với 303 chợ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Sở Công Thương đang phối hợp với các quận, huyện, thị xã tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở hoàn thiện các điều kiện theo quy định để được cấp biển nhận diện và triển khai các nhiệm vụ tại Đề án.
Ngoài ra, Sở đã phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh quản lý các loại hình kinh doanh có điều kiện (xăng dầu, LPG, rượu, thuốc lá…), phối hợp thực hiện quản lý bán hàng đa cấp trên địa bàn. Chú trọng kiểm tra, kiểm soát thị trưởng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tại hội nghị, đại diện các quận, huyện cũng cho ý kiến, kiến nghị về việc đầu tư nâng cấp, cải tạo chợ. Theo đại diện phòng kinh tế quận Đống Đa, việc xây mới trên địa điểm mới thì dễ, tuy nhiên, với các chợ cũ lại gặp vướng về các thủ tục, nhất là việc ý kiến các hộ kinh doanh, bởi không có cơ chế đối thoại với người dân.
Như câu chuyện tại chợ Kim Liên, mặc dù quận đã xin ý kiến các tiểu thương qua 2 vòng đối thoại nhưng mới được hơn 50% đồng thuận. Hiện trạng chợ là toàn bộ mặt sàn, khi xây dựng mới lại sẽ phải theo chỉ giới, điều này đồng nghĩa với diện tích xây dựng chợ sẽ nhỏ lại, mặc khác, theo quy định, diện tích xây dựng chỉ được 60%, còn lại là các công trình phụ trợ và hạ tầng cây xanh. Như vậy, 100% tiểu thương vẫn sẽ được kinh doanh tại tầng 1 là không khả thi, buộc phải lên tầng 2 hoặc 3. Những hộ phải lên tầng 2, tầng 3 sẽ không đạt được thỏa thuận. Do đó, kiến nghị ví dụ trên 80 – 90% các hộ kinh doanh đồng thuận thì chợ sẽ được xây dựng mới.
Tăng tốc, kích cầu, đẩy tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Phát biểu tại Hội nghị, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, về công tác quy hoạch, hiện nay, chúng ta đã cơ bản làm xong phương án phát triển ngành trong lĩnh vực thương mại, điện, xăng dầu, logistics, cụm công nghiệp, công nghiệp. Hội đồng thẩm định quy hoạch cấp quốc gia đã thông qua, chúng ta đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đang trình sang Quốc hội. Bộ Công Thương đã có văn bản thẩm định phương án quy hoạch để có cơ sở Thành phố trình lên Quốc hội.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, thời gian vừa rồi, Sở vẫn nhận được đề xuất của các quận, huyện về điều chỉnh một số cụm công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại. Đây là vấn đề rất khó cho ngành. Việc này Sở có báo cáo Thành phố và chuyển sang các Viện chức năng để có phương án cập nhật vào quy hoạch chung của Thủ đô. Việc này sẽ vẫn phải tiếp tục cập nhật và xin ý kiến. Từ nay đến lúc tích hợp được vào quy hoạch chung của Thủ đô, các quận huyện phải phối hợp nhịp nhàng với Sở Công Thương không sẽ dẫn tình trạng cái cần làm thì không có trong quy hoạch, cái có trong quy hoạch lại không triển khai được.
Bà Lan cũng đề nghị các địa phương rà soát lại các chương trình, kế hoạch trong lĩnh vực của ngành công thương, tập chung chỉ đạo, hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra. Đồng thời tập trung công tác bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát, đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết Trung Thu, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán.
Lãnh đạo UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục phối hợp với ngành Công Thương để phát triển các mô hình kinh tế, phát triển thương mại theo hướng văn minh hiện đại, theo xu hướng hội nhập, bởi việc đi theo lối mòn thì sẽ khó có thể phát triển được. Tiếp tục triển khai phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, quy hoạch tạo mặt bằng đất để thu hút đầu tư vào các khu cụm công nghiệp. Rà soát những tồn tại của các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động cũng như tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các khu, cụm công nghiệp này.
“Tăng tốc, kích cầu, nhằm đẩy tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ trên địa bàn Thành phố của Hà Nội đạt mức cao nhất, đóng góp vào tăng trưởng GRDP của Thành phố”, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề chợ, bà Lan đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục quan tâm chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước; xây dựng kế hoạch tăng cường công tác quản lý chợ trên địa bàn. Đồng thời, tăng tốc trong kế hoạch đầu tư cải tạo chợ, cũng như rà, duyệt lại kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chợ để đảm bảo khi triển khai sẽ được đồng bộ.