Mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TU về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm (ATTP) trong bối cảnh mới, thể hiện sự quyết tâm lãnh đạo của Đảng trong việc bảo vệ sức khỏe người dân. Chỉ thị này được phát triển dựa trên tinh thần Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Hà Nội đã cụ thể hóa bằng Chương trình hành động số 26-CTr/TU ngày 27/3/2023 và Kế hoạch số 177/KH-UBND ngày 28/6/2023, nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị trên địa bàn.
Hà Nội sẽ tăng cường công tác kiểm tra đảm bảo ATTP trên địa bàn. Ảnh: xaydungchinhsach.chinhphu.vn |
Sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về ATTP đã giúp nâng cao nhận thức của các cấp quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Nhờ đó, ý thức về việc sử dụng thực phẩm an toàn ngày càng được nâng cao. Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, từ đó góp phần phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm về ATTP, tạo môi trường kinh doanh thực phẩm an toàn hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức cần giải quyết. Một bộ phận người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng chưa thật sự quan tâm đến ATTP, chạy theo lợi nhuận, bất chấp việc sử dụng các chất cấm, hóa chất độc hại. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn còn tình trạng vi phạm các quy định về ATTP, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để khắc phục những hạn chế này, Chỉ thị số 34-CT/TU yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 17-CT/TW và các văn bản chỉ đạo của Thành ủy. Cần xây dựng nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của ATTP cho toàn xã hội, đặc biệt là cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Ngoài ra, việc phổ biến kiến thức và pháp luật về ATTP, đặc biệt là Luật An toàn thực phẩm, sẽ giúp người dân có thể tự bảo vệ mình. Cần kêu gọi các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà cung cấp, phân phối và người tiêu dùng thực phẩm tự giác tuân thủ các quy định về ATTP.
Song song với đó, phải thực hiện thường xuyên, liên tục việc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Khuyến khích người dân phát hiện, tố giác hành vi vi phạm ATTP, tạo dư luận xã hội lên án, tẩy chay các sản phẩm không đảm bảo an toàn. Xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, bảo vệ sản xuất, kinh doanh lành mạnh, đồng thời nâng cao năng lực phòng ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ yếu tố đầu vào trong sản xuất, kinh doanh. Liên kết với các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, bảo đảm người dân được tiếp cận và sử dụng lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững.
Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, hình thành mạng lưới logistics, bảo quản, chế biến, thương mại điện tử ở nông thôn. Phát huy vai trò của các hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng trong liên kết, hỗ trợ sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ thực phẩm an toàn, chất lượng..
Tăng cường đầu tư nguồn lực cho hoạt động quản lý an toàn thực phẩm, đảm bảo đủ nhân lực, phương tiện, trang thiết bị hiện đại cho công tác quản lý an toàn thực phẩm; nâng cao năng lực phân tích, kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng sản phẩm. Phát huy trách nhiệm của chính quyên cơ sở trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, hàng hóa, nhất là sản phẩm địa phương, sản phẩm sạch, an toàn, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ.
Chỉ thị khẳng định sự quyết tâm của Hà Nội trong việc bảo đảm ATTP, góp phần bảo vệ sức khỏe của người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.