Đẩy mạnh, đa dạng hóa công tác tuyên truyền
Hiện nay, Hà Nội có hơn 83.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, hơn 600 điểm kinh doanh chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 44 cơ sở giết mổ bán công nghiệp và hơn 900 điểm giết mổ thủ công nhỏ lẻ, 5.000ha rau màu an toàn. Sản xuất thực phẩm của thành phố đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các tỉnh và nhập khẩu.
Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2016-2020, Sở Công Thương Hà Nội đã tích cực phối hợp với Sở Y tế - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm thành phố và các sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát, tham mưu UBND thành phố hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP.
Hà Nội đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn. Ảnh: Cấn Dũng |
Sở Công Thương cũng đã triển khai đồng bộ, kịp thời chỉ đạo của Trung ương, thành phố về công tác bảo đảm ATTP. Sở đã ban hành trên 60 kế hoạch chỉ đạo triển khai thực hiện và ban hành trên 300 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, các ban quản lý chợ… thuộc lĩnh vực ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ về ATTP trong ngành Công Thương.
Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP được Sở thường xuyên quan tâm đẩy mạnh và đa dạng hóa dưới nhiều hình thức, đặc biệt vào các dịp cao điểm. Từ đó, từng bước tạo chuyển biến trong nhận thức của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác bảo đảm ATTP.
Cụ thể, Sở đã chủ động và phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức 161 lớp tập huấn kiến thức cho 21.000 cán bộ làm công tác ATTP, người sản xuất kinh doanh thực phẩm lĩnh vực Công Thương trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, Sở còn thường xuyên phối hợp với UBND cấp huyện tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ kinh doanh thực phẩm tuân thủ quy định của pháp luật về ATTP.
Bên cạnh đó, với 110 siêu thị đang hoạt động trên địa bàn, hàng năm, Sở đều tổ chức tập huấn, tuyên truyền kiến thức pháp luật về ATTP cho lãnh đạo, nhân viên siêu thị; thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn các siêu thị hoàn thiện các thủ tục, điều kiện theo quy định để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
Phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn
Nhằm từng bước quản lý hoạt động kinh doanh trái cây trên địa bàn, từ năm 2017, Sở Công Thương đã tham mưu UBND thành phố ban hành và tổ chức triển khai Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội”. Với tổng số 809 cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn 12 quận nội thành thành phố tham gia, đến nay Đề án đã đạt được các kết quả tích cực.
Tiêu biểu, 100% cửa hàng đã được cấp đăng ký kinh doanh (trước đề án đạt 30%); 100% cửa hàng đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc cam kết bảo đảm ATTP (trước đề án đạt 30%); 95% cửa hàng có trang thiết bị giám sát chất lượng, có trang thiết bị vận chuyển (trước đề án đạt 50%); 80% cửa hàng có tem truy xuất nguồn gốc trái cây (trước đề án đạt 38%)… Tiếp đó, Sở Công Thương đã tham mưu UBND thành phố phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh trái cây trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2020-2025” nhằm triển khai thực hiện nhân rộng tại các huyện, thị xã.
Ngoài ra, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn thành phố trong đó có nội dung bảo đảm ATTP tại chợ, mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm thực phẩm an toàn, chất lượng, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra thành phố, UBND các quận, huyện thị xã xây dựng dự thảo “Đề án quản lý, đầu tư cải tạo và phát triển chợ trên địa bàn TP. Hà Nội” trình UBND thành phố. Sở Công Thương sẽ phối hợp các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và UBND các quận, huyện thị xã hoàn thiện Dự thảo đề án về giải pháp đầu tư, cải tạo chợ 2020-2025, trình UBND thành phố phê duyệt làm căn cứ triển khai thực hiện.
Cùng với đó, trong thời gian qua, các phòng chuyên môn trực thuộc Sở đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 331 lượt cơ sở, 10 chợ. Qua đó, xử phạt 73 lượt với số tiền là 1.769,15 triệu đồng… Trong thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ kinh doanh chấp hành quy định của pháp luật về ATTP, phấn đấu đạt 100% người kinh doanh được tập huấn kiến thức về ATTP, 100% hộ kinh doanh cam kết bảo đảm ATTP.
Vừa qua, Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương do Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì đã tiến hành kiểm tra công tác quản lý nhà nước về ATTP tại Sở Công Thương Hà Nội. Ông Nguyễn Việt Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ đã ghi nhận và đánh giá cao việc chấp hành các quy định của Chính phủ và ngành Công Thương của TP. Hà Nội, các công tác xây dựng văn bản, kế hoạch, tổ chức triển khai các nhiệm vụ về đảm bảo ATTP.
Việc thực hiện pháp luật về ATTP trong thời gian qua trên địa bàn thành phố đã được UBND thành phố, Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm thành phố, quận, huyện quan tâm, thực hiện tốt, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đồng thời, nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể với ATTP. Công tác tuyên truyền nâng cao về chất lượng và đa dạng, phong phú về hình thức, nhận thức của người tiêu dùng, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã có chuyển biến tích cực.
“Công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn thành phố đã tiếp tục được củng cố và tăng cường, đặc biệt, công tác phối hợp giữa các sở, ngành đơn vị liên quan trong thanh tra, kiểm tra kiểm soát về ATTP được thực hiện chặt chẽ, góp phần hạn chế được tình trạng thực phẩm giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường” - ông Nguyễn Việt Tấn nhấn mạnh.