Thành phố đặt ra chỉ tiêu đến cuối 2024 sẽ công nhận từ 5 - 10 mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024.
Thành phố giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch theo quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, không trùng lặp, đúng mục tiêu, kết quả đề ra. Sở Công Thương tổng hợp, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của UBND thành phố và Bộ Công Thương.
Du khách lựa chọn sản phẩm truyền thống của làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông). Ảnh HNM |
Việc xây dựng Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã nhằm nâng cao năng lực trong hoạt động thiết kế sáng tạo cho các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch. Đây cũng là nơi tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền về quy trình sản xuất sản phẩm, quảng bá, giới thiệu về làng nghề...
Mô hình cũng tạo môi trường liên kết giữa nghệ nhân, đội ngũ thiết kế trẻ với tinh thần khởi nghiệp; các viện nghiên cứu, trường đại học chuyên ngành, tổ chức quốc tế phát huy ưu thế văn hóa địa phương, khát vọng phát triển kinh tế của cộng đồng tại làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố.
Qua đó, sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, làng nghề, xây dựng chuỗi liên kết từ thiết kế sáng tạo, sản xuất chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn…
Kinh phí thực hiện mô hình bằng nguồn ngân sách nhà nước và vốn xã hội hóa.