Đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách
Theo số liệu thống kê, tổng nhu cầu vốn vay giải quyết việc làm đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025 là 9.269 tỷ đồng, với 156.209 lao động. Trên cơ sở này, UBND thành phố đã xây dựng mục tiêu cụ thể từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của thành phố.
Khoảng 156.209 lao động khó khăn trên địa bàn TP. Hà Nội có nhu cầu vay vốn |
Cụ thể: Về chỉ tiêu nguồn vốn, nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội thành phố năm 2021 đã được bổ sung sang ngân hàng chính sách thành phố là 550 tỷ đồng và sẽ bổ sung giai đoạn 2022-2025 là 2.000 tỷ đồng, bình quân mỗi năm bổ sung 500 tỷ đồng. Như vậy, tổng nguồn vốn bổ sung giai đoạn 2021 – 2025 là 2.500 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu theo kết quả rà soát thực tế.
Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho biết, nguồn vốn vay giải quyết việc làm của thành phố được triển khai thực hiện theo nguyên tắc đối tượng cho vay là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hộ sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, thu hút lao động ổn định; doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã; hộ gia đình mất việc làm do chuyển đổi cơ cấu kinh tế…
Ngay sau khi kế hoạch được ban hành đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Bởi việc thực hiện tốt kế hoạch sẽ giúp các hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách... được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh quản lý các khoản vay, ngân hàng chính sách xã hội và chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với hội đoàn thể, tổ chức tham gia tư vấn, phổ biến, hướng dẫn hộ dân vay vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh; lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp để bà con học tập và áp dụng. Như vậy mới tạo được hiệu quả nguồn vốn vay, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân, đồng thời bảo đảm nguồn vốn sau giải ngân được sử dụng đúng mục đích.
Tạo việc làm ổn định cho khoảng 37.000 lao động
Kế hoạch số 159/KH-UBND của UBND thành phố cũng đặt ra mục tiêu cụ thể về việc làm. Theo đó, nguồn vốn tín dụng chính sách giải ngân qua ngân hàng chính sách xã hội từ nguồn ủy thác của ngân sách thành phố (bao gồn cả vốn bổ sung hàng năm và nguồn vốn thu hồi cho vay quay vòng trên địa bàn) sẽ góp phần thu hút, tạo việc làm ổn định bình quân cho 31.000 lao động/năm, tương đương 19% chỉ tiêu giải quyết việc làm của thành phố hàng năm giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, năm 2021, thu hút, tạo việc làm ổn định cho khoảng 25.100 lao động; năm 2020 là 28.000 lao động; năm 2023 là 31.000 lao động; năm 2024 là 34.000 lao động; năm 2025 là 37.000 lao động.
Để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu đặt ra, UBND TP. Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã: Quan tâm chỉ đạo triển khai hoạt động tín dụng chính sách nói chung và chương trình cho vay giải quyết việc làm nói riêng; triển khai kịp thời công tác điều tra, xác nhận đối tượng vay vốn ưu tiên hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu vốn sản xuất kinh doanh, để tạo điều kiện hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi; gắn hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến nông, khuyến ngư, đào tạo nghề… với hoạt động cho vay vốn của ngân hàng chính sách xã hội để giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả.
Theo bà Lê Thị Đức Hạnh, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hà Nội: Trên cơ sở chỉ tiêu nguồn vốn ủy thác của TP. Hà Nội, ngân hàng chính sách xã hội thành phố đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo đảm an toàn nguồn vốn vay. Cụ thể, phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, tổ chức liên quan để gắn tín dụng chính sách với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với đó, tập trung tuyên truyền chương trình tín dụng chính sách để người dân hiểu, tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi; hoàn thiện hồ sơ, bình xét cho vay khách quan, dân chủ để giải ngân vốn vay nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Đồng thời phối hợp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ vay vốn ủy thác và điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát để bảo đảm hiệu quả vốn tín dụng chính sách.
Kế hoạch số 159/KH-UBND của UBND TP. Hà Nội về nâng cao hiệu quả nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của thành phố giai đoạn 2021-2025, được kỳ vọng đến năm 2025 góp phần đảm bảo duy trì tỷ lệ thất nghiệp dưới 3%. |