Chi phí sinh hoạt ngày càng cao tại các thành phố lớn đang buộc nhiều người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu cho những mặt hàng, hoạt động không thiết yếu. Điều này dẫn đến tình cảnh "không một bóng người" tại một số quán cafe, nhà hàng trên địa bàn Thành phố Hà Nội, khiến nhiều chủ quán phải suy nghĩ đến phương án đóng cửa, nhượng quyền cửa hàng.
Tiêu biểu là trường hợp của anh N.T.T (35 tuổi, sống tại Ba Đình, Hà Nội), chủ một cửa hàng kinh doanh đồ ăn Nhật Bản trên phố Kim Mã. Anh T. chia sẻ, cửa hàng của anh mở cửa từ sau khi đại dịch Covid- 19. Lúc mới đầu, quán anh có lượng khách hàng đông và doanh thu rất ổn định, tuy vậy, trong vòng 3 tháng trở lại đây, lượng khách hàng đã giảm hẳn.
Theo anh N.T.T, lượng khách hàng của quán vẫn đủ để duy trì, nhưng quán của anh đã chịu nhiều áp lực của các cổ đông. Để tránh cãi vã, anh quyết định rao bán, nhượng lại mặt bằng quán trên mạng xã hội Facebook, với giá 18 triệu/tháng. Anh T. chia sẻ, anh sẵn sàng để lại hết bàn ghế, dụng cụ bếp, và kể cả một dàn hút mùi tiêu chuẩn nhà hàng với giá hơn 50 triệu. Vào thời điểm phỏng vấn, dù đã gần đến giờ ăn trưa, nhưng quán của anh vẫn không một bóng người.
Một nhà hàng bán đồ ăn Nhật trên đường Kim Mã sẵn sàng nhượng lại mặt bằng và cả dụng cụ nhà bếp với giá dưới 20 triệu một tháng. (Ảnh: Phú Quý). |
Giống như anh N.T.T, chị L.T.V (44 tuổi, ở Hàng Mã, Hà Nội) chủ một cửa hàng cafe, nước ép nằm trên trục đường tấp nập Điện Biên Phủ, Hà Nội cũng đang mong muốn sang nhượng quán với giá 25 triệu đồng/tháng và sẵn sàng tặng lại toàn bộ trang thiết bị, bàn ghế. Chị V. chia sẻ, dù mới mở quán được hơn 4 tháng nhưng quán kinh doanh không hề có lãi và phải bù lỗ.
Quán nước ép của chị V. nằm ngay trục đường giao giữa Điện Biên Phủ - Hàng Bông vắng không một bóng người dù có rất đông khách du lịch qua lại. (Ảnh: Phú Quý) |
Chị B.M.C (28 tuổi, ở Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội) là chủ một quán cà phê cũng chia sẻ, chị đã mở quán được hơn 6 năm, quán vẫn có thu nhập ổn định. Nhưng khoảng 3 tháng gần đây chị C. đã buộc phải gồng lỗ, bù tiền nhà và các loại chi phí. Chị C. nói thêm, so với quý I thì quý II và đến giữa quý III năm nay lợi nhuận đã giảm 25-30%, còn so với cùng kỳ giảm 50% lợi nhuận.
Quán cà phê của chị B.M.C. cả ngày chỉ có 1-2 khách. Chị đang phải bỏ tiền túi bù lỗ để quán duy trì hoạt động qua giai đoạn khó khăn. (Ảnh: Phú Quý) |
Chị C. nói thêm, “Tôi sẽ cố gắng bù chi phí và hy vọng đến cuối năm có các dịp sự kiện lớn trong năm sẽ bớt vắng khách hơn…”
Khi được hỏi về kế hoạch tương lai, chị C. chia sẻ, nếu hết năm tình hình vẫn không khả quan hơn thì chị sẽ chuyển việc khác, đóng quán hoặc sang nhượng và đợi khi tình hình kinh tế bớt khó khăn sẽ mở lại quán vào thời gian khác.
Chị C. băn khoăn trước tình cảnh vắng khách chung của các quán ăn uống hiện nay. (Ảnh: Phú Quý) |
Cửa hàng ăn uống của anh T., chị V. và chị C. chỉ là 3 trong số hàng nghìn quán cafe, nhà hàng khác tại các thành phố lớn đang gặp khó khăn trong thời gian qua. Theo báo cáo ra ngày 21/8/2024 của iPos - một công ty công nghệ trong lĩnh vực quản lý nhà hàng/cafe, có tới 30.000 cửa hàng ăn uống đã đóng cửa trên toàn quốc trong 6 tháng đầu năm 2024.
Cũng theo báo cáo, trong nửa đầu năm nay, số lượng cửa hàng kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam đã giảm 4% so với năm 2023, ở khoảng 304.700 cửa hàng. Tình trạng các cửa hàng đóng cửa sau 3 tháng hoạt động cũng đang xảy ra nhiều hơn tại các thành phố lớn.
iPos nhận định, mức chi tiêu cho việc đi cà phê và tần suất đi cà phê của người Việt cũng chứng kiến sự sụt giảm đáng kể trong 6 tháng đầu năm nay. Theo iPos, nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này là do áp lực công việc và giá cả tăng cao.
Được biết, có đến 41,7% người tiêu dùng được iPos khảo sát nói rằng việc đi cà phê là không cần thiết, và 32,3% nói rằng họ chỉ đi cà phê với tần suất 1-2 lần/tuần. Khi được hỏi lý do, phần lớn người dùng cho rằng, họ đang phải làm việc với cường độ lớn hơn do khó khăn nội tại trong doanh nghiệp mà họ đang làm việc, dẫn đến người tiêu dùng phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong việc chi tiêu cho những dịch vụ không thiết yếu.