Nhiều kế hoạch chi tiết cho năm 2021
Ngày 17/5/2021, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 2143 về việc “Thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2021”. Kế hoạch này cũng nhằm thực hiện có hiệu quả và hoàn thành 100% các chỉ tiêu, nhiệm vụ, nội dung hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đề ra trong Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 01/3/2021 của UBND thành phố Hà Nội về Chương trình phát triển CNHT thành phố Hà Nội năm 2021, góp phần nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CNHT tại Hà Nội, nhằm khuyến khích phát triển CNHT, đẩy mạnh sản xuất, thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp CNHT Hà Nội tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Hà Nội đặt mục tiêu năm 2021, sẽ có khoảng 900 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực CNHT tại Hà Nội |
Kế hoạch số 49 của UBND TP Hà Nội đã đặt ra mục tiêu: Khuyến khích phát triển CNHT (CNHT) và nâng cao năng lực các doanh nghiệp CNHT của Hà Nội. Tập trung phát triển các lĩnh vực CNHT dựa trên nhu cầu và lợi thế phát triển của Hà Nội, phù hợp với yêu cầu, định hướng phát triển công nghiệp của Hà Nội và cả nước, bao gồm 03 lĩnh vực chủ chốt là: sản xuất linh kiện phụ tùng, CNHT phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và CNHT cho ngành dệt may - da giày. Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy mạnh liên kết cung ứng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực CNHT nhằm gia tăng số lượng và chất lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT.
Cũng trong năm 2021, sẽ có khoảng 900 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực CNHT tại Hà Nội. Trong đó, khoảng 300 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Giá trị sản xuất công nghiệp của CNHT chiếm khoảng 16% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Hà Nội; chỉ số phát triển công nghiệp lĩnh vực CNHT hàng năm tăng trên 11%.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân ngành CNHT chưa phát triển là do cơ chế, chính sách, mục tiêu phát triển chưa rõ ràng, chưa có trọng tâm, trọng điểm… nên đã kìm hãm sự tăng trưởng của ngành này ở Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. Để ngành CNHT Hà Nội đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp theo hướng sát thực tế hơn, đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư...
Cần một chính sách minh bạch
Thực tế, đã có hàng trăm doanh nghiệp CNHT Hà Nội được thụ hưởng các dịch vụ trợ giúp khi tham gia Chương trình về phát triển CNHT. Tuy nhiên, số doanh nghiệp chưa nhận được các trợ giúp trực tiếp từ thành phố còn rất lớn.
Có thể thấy, chính sách hiện hành cho phát triển CNHT mới chỉ tập trung hỗ trợ tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn... Những quy định tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước còn thiếu. Chính sách, mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh chưa rõ ràng, chưa có trọng tâm, trọng điểm. Ngoài ra, dù chính sách về đất đai đã cởi mở, thông thoáng hơn nhưng thủ tục hành chính còn phức tạp, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Bùi Văn Chí - Giám đốc đại diện Công ty Cổ phần Kỹ thuật Temas cho hay: “Khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam trong việc phát triển ngành CNHT thì rất nhiều. Trong đó, phải kể đến việc thiếu chủ trương, chính sách cụ thể cho việc phát triển ngành CNHT của nhà nước đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn. Mặt khác, doanh nghiệp Việt cũng thiếu nhiều thông tin về thị trường, đối tác, đặc biệt là thiếu vốn để đầu tư trang thiết bị phục vụ cho phát triển từ ý tưởng đến sản xuất”.
Là người dành nhiều tâm huyết với việc hỗ trợ cho doanh nghiệp CNHT, ông Đàm Tiến Thắng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhận định: Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 3-11-2015 của Chính phủ về phát triển CNHT và Thông tư số 55/2015/TT-BCT ngày 30-12-2015 của Bộ Công Thương, trong đó nêu rõ những điểm mới, những lĩnh vực được ưu tiên, hỗ trợ đối với các dự án đầu tư mới, mở rộng sản xuất sản phẩm cCNHT, đã tạo ra nhiều thuận lợi mới cho phát triển CNHT trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, do các văn bản chỉ đạo tiếp theo của Chính phủ sau Nghị định 111 về quy chế quản lý và thực hiện chương trình phát triển CNHT chậm được ban hành; hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 111 chưa đồng bộ, hoàn chỉnh đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chung cho các chương trình phát triển CNHTtại địa phương.
Ông Đàm Tiến Thắng cho biết thêm, vấn đề doanh nghiệp CNHT cần nhất hiện nay chính là sự minh bạch trong chính sách. Một chính sách đủ minh bạch, thông suốt và không còn cơ chế “xin - cho” mới là đòn bẩy giúp cho sự phát triển của doanh nghiệp CNHT. Bên cạnh đó, các DN cũng cần chủ động đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm hướng tiếp cận các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia để tìm hiểu yêu cầu của đối tác và “đầu ra” cho sản phẩm. UBND thành phố sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất; kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài; thu hút, kêu gọi doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào CNHT, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc quản lý, quản trị, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ. Đồng thời, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp CNHT.