Hà Nội: Áp dụng biện pháp mạnh hơn Chỉ thị số 17/CT-UBND với khu vực nguy cơ cao Hà Nội: Phong tỏa, dừng hoạt động chợ đầu mối phía Nam |
Tại chợ Nhật Tân, UBND phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) đã dựng hàng rào sắt, phân luồng và hướng dẫn từ xa cho người tới chợ, kiểm tra thẻ đi chợ, đo nhiệt độ và sát khuẩn tay, ai không có thẻ thì không được vào chợ. Nhờ kiểm soát theo thẻ đi chợ, ghi nhận số người tới chợ cùng thời điểm đã giảm tới 50% so với trước.
Theo Ban Tuyên giáo quận Tây Hồ, trước khi triển khai phát thẻ vào chợ, Ban Tuyên giáo quận Tây Hồ đã triển khai khảo sát và lấy ý kiến của người dân. Kết quả khảo sát khoảng 850 người dân thì 96,8% đồng tình.
Khi UBND quận Tây Hồ triển khai đồng loạt việc phát vào chợ trên địa bàn các phường thuộc quận, người dân đồng tình hưởng ứng và rất ủng hộ cách làm của chính quyền theo hướng dẫn của Sở Công Thương, chia thành 3 nhóm: Nhóm 1, bốn (4) thẻ, in liền ghi rõ các ngày vào chợ (27, 30/7; 2, 5/8); nhóm 2, bốn thẻ ngày (28, 31/7: 3, 6/8); nhóm 3, bốn thẻ ngày (29/7; 1, 4, 7/8). Cách làm này, vừa đảm bảo linh hoạt thời gian và tránh tụ tập đông người.
Việc phát thẻ vào chợ được người dân rất đồng tình nhằm bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 |
Sau quận Tây Hồ, chiều ngày 28/7, quận Long Biên đã triển khai in và đóng dấu thẻ đi chợ theo ngày chẵn, ngày lẻ để phát cho các hộ gia đình và được triển khai thực hiện từ sáng 29/7.
Cùng với việc phát thẻ đi chợ, nhiều quầy bán hàng còn làm hàng rào ngăn cách người mua hàng, kẻ vạch giãn cách… để tránh tập trung đông người và tiếp xúc trực tiếp. Các chợ đều thực hiện nghiêm chỉ bán hàng hóa thiết yếu, những quầy bán hàng không thiết yếu đã được yêu cầu tạm nghỉ kinh doanh.
Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội- cho hay, việc phát thẻ đi chợ cho người dân là 1 việc mới để thực hiện đảm bảo phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại chợ khi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Sở Công Thương khuyến khích các địa phương triển khai việc này để giảm tải lượng người đến khu vực tập trung đông người. Tuy nhiên, các đơn vị cần có kế hoạch chi tiết đề khi triển khai thực hiện không bị vướng mắc, phiếu cho người dân quy định theo ngày chẵn, lẻ, giãn giờ đi chợ để thực hiện tốt.
Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, hiện trên địa bàn hiện có 459 chợ. Sở cũng đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã; ban quản lý chợ trên địa bàn thành phố về việc thực hiện nghiêm quy định của Bộ Y tế, UBND thành phố về phòng, chống dịch Covid-19.
Trong đó, yêu cầu các chợ phải xây dựng và triển khai theo phương án, kịch bản phòng, chống Covid-19, có biện pháp kiểm soát người ra - vào chợ, tổ chức mua hàng tại chợ theo quy định một chiều (vào một chiều, ra một chiều).
Trường hợp phát hiện ca nhiễm Covid-19 tại chợ, chính quyền địa phương đóng cửa tạm thời, xử lý dịch tễ, khoanh vùng dập dịch. Thành phố sẽ bố trí các điểm bán lưu động, các kênh phân phối khác hỗ trợ, bảo đảm cung ứng hàng hóa cho người dân.
Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sau 5 ngày thực hiện Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn TP ổn định, các quận/huyện chủ động đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho các khu vực phong tỏa, cách ly y tế. Nguồn cung hàng hóa tại các hệ thống phân phối (siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi…) dồi dào, giá cả ổn định.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội, các khu chợ được phép hoạt động để cung ứng thực phẩm thiết yếu cho người dân. Ðây là nơi tập trung đông người, khó kiểm soát người ra vào. Do đó, cùng với việc nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nhiều phường trên địa bàn Hà Nội đã có các cách làm hay để hoạt động tại chợ diễn ra an toàn, bảo đảm an sinh xã hội. Cần triển khai nhân rộng mô hình, cách làm mới này.
Liên quan đến shipper vận chuyển hàng hóa thiết yếu, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, tính đến 10h30 ngày 28/7, Sở đã cấp mã số xác nhận cho 8.797 xe trên số lượng đề xuất, đăng ký là 14.550 xe (Sở Công Thương đề xuất danh sách 699 xe, Sở Thông tin và Truyền thông gửi danh sách 13.851 xe). Dự kiến trong ngày hôm nay 28/7, Sở sẽ cấp phép thêm cho 5.431 xe nữa. Sở Giao thông vận tải cho biết, hiện nay, số lượng đề nghị cấp mã tin nhắn cho lái xe do Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị quá lớn, Sở đã có văn bản kiến nghị Thành phố chỉ đạo rà soát kỹ nhu cầu và đối tượng đề xuất cấp phép hoạt động. Theo đó, Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông cần rà soát kỹ nhu cầu, đối tượng đề xuất, gửi Sở Giao thông vận tải để cấp mã xác nhận vận chuyển hàng hóa đối với xe mô tô, xe 2 bánh theo Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của UBND Thành phố. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra đối với các lái xe đã được cấp mã xác nhận trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. |