Sẵn sàng cho chiến dịch tiêm chủng vắc - xin Covid-19
Tiêm chủng vắc - xin được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống dịch Covid-19, vì vậy, Việt Nam đã chính thức phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với mục tiêu tiêm miễn phí cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022.
Chính thức phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử |
Qua 4 đợt tiêm chủng vắc - xin vừa qua, Hà Nội đã tiêm được 195.583 liều, trong đó, mục tiêu an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu. Tại Lễ phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc - xin phòng Covid-19 toàn quốc ngày 10/7, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định: Để thực hiện "mục tiêu kép", việc tiêm chủng vắc - xin để phòng ngừa chủ động, tạo miễn dịch cộng đồng ngày càng trở nên cấp bách và là biện pháp căn cơ, hiệu quả, bền vững.
Với chiến dịch tiêm chủng lần này, theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh, số lượng người trong độ tuổi cần tiêm chủng (ở lứa tuổi từ 18 - 65) của thành phố hơn 5,1 triệu người (căn cứ theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ). Nếu nguồn cung vắc - xin bảo đảm, thành phố sẽ phấn đấu đạt tối đa 200.000 mũi tiêm/ngày. Để bảo đảm công tác an toàn tiêm chủng, thành phố huy động 100 tổ cấp cứu cơ động để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp xảy ra các phản ứng sau tiêm chủng.
Đến nay, Hà Nội đã rà soát toàn bộ trang thiết bị bảo quản vắc - xin, với số trang thiết bị hiện có có thể tiếp nhận tối đa cùng lúc 1,3 triệu liều. Việc phân bổ vắc - xin cho các địa phương để triển khai tiêm được thực hiện theo nguyên tắc cấp vắc - xin cho những địa phương có nguy cơ cao nhiều hơn. Khi đủ vắc - xin, sẽ phân bổ và tiêm đủ cho các đối tượng tại tất cả quận, huyện, thị xã. Hà Nội coi đây là chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn chưa có tiền lệ. Vì vậy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện cần thống nhất, xuyên suốt, chặt chẽ. “Hà Nội đã sẵn sàng mạnh mẽ cho chiến dịch, quyết tâm sớm thực hiện thành công, an toàn chiến dịch tiêm chủng này nhằm đạt mục tiêu, tạo miễn dịch cộng đồng để các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường mới” - Chủ tịch Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Quyết tâm thực hiện hiệu quả
Trước nguy cơ dịch lây lan rộng trong cộng đồng, từ ngày 25/5/2021, Hà Nội đã tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ; dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng. Hiện, do dịch có những diễn biến mới, thành phố tiếp tục điều chỉnh một số quy định trên như tạm dừng các hoạt động thể dục thể thao ngoài trời, không tập trung quá 10 người ngoài trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, nơi công cộng; đồng thời triển khai đồng loạt các biện pháp mạnh kết hợp tuyên truyền, kiểm tra xử lý vi phạm nghiêm nhằm khống chế dịch...
Triển khai các biện phòng, chống dịch ở mức cao nhất |
Tại Thông báo số 393-TB/TU, kết luận của Thường trực Thành ủy về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã thống nhất chỉ đạo cả hệ thống chính trị của thành phố cần phải đặt quyết tâm rất cao, quyết liệt hơn nữa, không được để bùng phát dịch trên địa bàn. Trong đó, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo các văn bản chỉ đạo của trung ương và thành phố; huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thỏa mãn với những kết quả bước đầu đạt được…
Đặc biệt, chính quyền Hà Nội yêu cầu, người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn phụ trách với phương châm “4 tại chỗ”. Các ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục bám sát địa bàn được phân công; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã trong công tác phòng, chống dịch, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, kêu gọi người dân toàn thành phố tiếp tục tin tưởng, ủng hộ và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; mong muốn các tiểu thương, doanh nghiệp và nhân dân chia sẻ về những biện pháp siết chặt một số dịch vụ hiện tại và có thể phải tăng cường mạnh hơn trong thời gian tới, tùy thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn thành phố và cả nước.
Nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch, Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP. Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 02/2021/NQ-HĐND quy định một số chế độ chi đặc thù trong phòng, chống dịch của thành phố. Trong đó, Hà Nội sẽ hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm sàng lọc Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế (ngoài phần chi trả của Quỹ BHYT nếu có). Đối tượng được áp dụng hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm sàng lọc Covid-19 là các trường hợp phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc theo chỉ đạo, yêu cầu trong thời gian phòng, chống dịch.
Trước đó, tại kỳ họp thứ nhất HĐND TP. Hà Nội khóa XVI, HĐND thành phố đã thông qua các mức chi đặc thù khác trong phòng, chống dịch gồm: Chi chế độ hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu đối với người bị cách ly tại khu vực phong tỏa; chế độ bồi dưỡng và chế độ hỗ trợ tiền ăn đối với người tham gia phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ thêm cho các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19; chế độ đối với người phải kéo dài thời gian cách ly tại cơ sở y tế, khu cách ly tập trung; hỗ trợ cho cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý, xử lý các đối tượng nhập cảnh trái phép trên địa bàn thành phố phải thực hiện cách ly tập trung.
Hà Nội chủ trương phòng, chống dịch phát huy vai trò nòng cốt của các lực lượng tuyến đầu; tăng cường hoạt động của các tổ Covid-19 tại cộng đồng, mỗi cán bộ và nhân dân Thủ đô phải thực sự là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh vì an toàn sức khỏe của bản thân, gia đình và có trách nhiệm với cộng đồng. |