Chiều 11/7, Đoàn công tác liên ngành Trung ương do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng làm Trưởng đoàn đã khảo sát việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 tại thành phố Hà Nội. Cùng dự có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà tiếp, làm việc với Đoàn công tác liên ngành.
Quang cảnh buổi tiếp Đoàn công tác liên ngành |
Dôi dư 1.054 người sau sắp xếp
Báo cáo tóm tắt việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã năm 2023 – 2025 của Thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh đã nêu hiện trạng, phương án sắp xếp đơn vị hành chính của Thành phố Hà Nội.
Theo đó, sau khi sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện có 30 đơn vị, gồm 12 quận, 17 huyện, 1 thị xã; số lượng đơn vị hành chính cấp xã có 518 đơn vị, gồm 337 xã, 160 phường, 21 thị trấn – giảm 61 đơn vị, gồm 46 xã, 15 phường, 0 thị trấn. Số lượng đơn vị cấp huyện giảm do sắp xếp là 0 đơn vị.
Quận Hoàn Kiếm là đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên không thực hiện sắp xếp.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng tại buổi làm việc |
Về phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết: Thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã xây dưng kế hoạch, lộ trình thực hiện phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức thận trọng, khoa học, khách quan, có tính nhân văn; vừa đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức vừa phù hợp với năng lực, sở trường, vị trí công việc của từng cán bộ, công chức.
Trong đó, ngoài các cơ chế, chính sách của Trung ương, đối với cán bộ dôi dư, thành phố đã ban hành Nghị quyết của HĐND thành phố quy định chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, hoạt động không chuyên trách dôi dư nghỉ công tác khi sắp xếp đơn vị hành chính.
“Nhờ triển khai dân chủ, khách quan, khoa học nên đến nay, cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở các địa phương thực hiện sắp xếp đều thống nhất cao, chưa có đơn thư, khiếu nại, phản ánh để phản đối”, ông Trần Đình Cảnh thông tin.
Được biết, số cán bộ, công chức có mặt ở 130 xã, phường, thị trấn liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính là 3.383 người; số cán bộ, công chức được giao khi sắp xếp là 2.329 người; số dôi dư sau sắp xếp là 1.054 người (520 cán bộ, 365 công chức, 169 hợp đồng không chuyên trách).
Cùng với đó, thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các đơn vị hành chính gắn với lộ trình thực hiện Đề án quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài sản công trên địa bàn thành phố.
Hồ sơ, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của Thành phố Hà Nội đã bảo đảm đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định: Đã tổ chức lấy ý kiến toàn thể cử tri tại các đơn vị liên quan. Kết quả lấy ý kiến cử tri đã được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Đề án đã được HĐND các cấp có liên quan của thành phố tán thành.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà tại buổi làm việc |
Thực hiện thận trọng, đúng quy định
Tại buổi khảo sát, các thành viên Đoàn khảo sát đã đề nghị Thành phố Hà Nội rà soát lại một số nội dung về số liệu dân cư, văn bản trích dẫn...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cho rằng, Hà Nội đã có nỗ lực, quyết tâm chính trị rất cao của cả hệ thống chính trị thành phố trong việc xây dựng Đề án này. Chia sẻ với Hà Nội về khối lượng công việc trong đợt sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025, với số lượng đơn vị hành chính thuộc diện phải sắp xếp rất lớn, lại có đặc thù truyền thống, lịch sử, văn hóa của đất kinh kỳ..., song Hà Nội đã chủ động triển khai sớm, bám sát hướng dẫn, theo dõi sát sao việc xây dựng và hoàn thiện Đề án, với tỷ lệ đồng tình cao của cử tri ở các địa phương thuộc diện sắp xếp.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, qua khảo sát thực tế ở một số đơn vị và nghe báo cáo, Đoàn khảo sát cơ bản đồng tình với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đề nghị thành phố Hà Nội có giải trình thêm về sự khác nhau giữa Phương án Tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội (Phương án số 01/PA-UBND ngày 15-11-2023 của UBND thành phố Hà Nội)- đã được Bộ Nội vụ góp ý - với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội.
Cùng với đó, cần rà soát kỹ để thống nhất số liệu; bám sát Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12-7-2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Bên cạnh đó, cần rà soát lại các đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp, trong đó xem xét kỹ các yếu tố thuộc diện đặc thù để có sự giải trình thuyết phục. Đặc biệt, Hà Nội cần quan tâm tới các công tác giải quyết cán bộ dôi dư, giải pháp giải quyết giấy tờ thủ tục hành chính cho người dân trên địa bàn, bảo đảm sự ổn định, tránh xáo trộn...
Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng lưu ý, việc sắp xếp giai đoạn này cần gắn với giai đoạn 2026-2030, gắn với Quy hoạch phát triển Thủ đô... Đồng thời, đề nghị Thành phố Hà Nội và Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ, thực hiện thận trọng, đúng quy định, hoàn chỉnh Đề án, để khi trình Trung ương nhận được sự tán thành cao.
“Mong Thành phố Hà Nội thực hiện xuất sắc sứ mệnh sắp xếp này, tạo diện mạo mới về không gian phát triển mới phù hợp với Luật Thủ đô, xứng đáng với vai trò của Thủ đô Hà Nội”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh.
Phát biểu tại cuộc khảo sát, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà khẳng định, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 được Thành phố Hà Nội xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức các hội nghị quán triệt, làm việc với các địa phương cùng và triển khai rất nhiều công việc liên quan… Từ đó, thành phố đã hoàn thiện hồ sơ và trình Bộ Nội vụ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của Thành phố Hà Nội.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý của Đoàn khảo sát, những ý kiến rõ ràng, cụ thể này giúp cho Hà Nội thuận lợi hơn trong quá trình hoàn thiện Đề án.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà đề nghị Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan, các đơn vị rà soát lại toàn bộ số liệu để bảo đảm thống nhất trong các hồ sơ, tờ trình; trong các báo cáo cần làm rõ những nội dung điều chỉnh, lý do điều chỉnh.