Đoàn cũng đã làm việc với Sở Công Thương và Tổng Công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVNHANOI) nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình, hạng mục với mục tiêu đảm bảo cung ứng và sử dụng điện trên địa bàn thành phố (TP).
Vẫn còn vướng mắc
Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng phụ tải điện của TP duy trì ở mức cao, dự báo khoảng 9,5 đến 10% những năm tiếp theo và thích ứng với kịch bản biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, công tác đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo các công trình trạm biến áp (TBA) và đường dây 110kV, 220kV để bổ sung kịp thời, đầy đủ nguồn cấp điện cho TP ngày càng trở nên cấp bách.
Đoàn công tác do Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực (Bộ Công Thương) dẫn đầu đã trực tiếp đi rà soát tiến độ và kiểm tra thực địa một số dự án lưới điện khu vực TP. Hà Nội giai đoạn 2016-2025 |
Theo Sở Công Thương Hà Nội, căn cứ Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 và Quyết định số 4720/QĐ-BCT ngày 02/12/2016 về việc phê duyệt Hợp phần I: Quy hoạch phát triển hệ thống điện 110kV của Quy hoạch phát triển điện lực TP. Hà Nội giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035, Ban chỉ đạo phát triển điện lực TP đã ban hành khoảng 150 văn bản chỉ đạo theo thẩm quyền và tổ chức khoảng 100 cuộc họp, buổi kiểm tra tiến độ trên thực địa nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư trong quá trình tổ chức thi công các công trình điện 110kV, 220kV.
Kết quả, đối với lưới điện 220kV, đã hoàn thành xây dựng mới 3/6 TBA (TBA nối cấp Đông Anh, Long Biên, Tây Hà Nội), đạt tỷ lệ 50%. Hoàn thành cải tạo 3/4 TBA (TBA 220kV Thường Tín, Sơn Tây, Tây Hồ), đạt tỷ lệ 75%. Công trình cải tạo TBA áp 220kV Xuân Mai đã được phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch đẩy sớm tiến độ thực hiện, chủ đầu tư sẽ tập trung hoàn thành trong thời gian sớm nhất.
Riêng đối với lưới điện 110kV đã hoàn thành xây dựng mới 11/45 TBA, đạt tỷ lệ 24,4%. Thực hiện cải tạo 24/31 TBA, đạt tỷ lệ 77,4%.
Trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng lưới điện, nêu ra những vướng mắc cụ thể, ông Nguyễn Quang Trung - Phó tổng giám EVNHANOI bày tỏ, hiện chưa có sự đồng bộ trong thực hiện quy hoạch điện và quy hoạch xây dựng công trình điện như TBA 110 kV Tây Hồ Tây và nhánh rẽ đường dây 110kV vào vận hành theo quy hoạch năm 2013; Tuyến cáp ngầm 110kV Tây Hồ - Yên Phụ vào vận hành theo quy hoạch năm 2015, đang thi công dở dang, năm 2019 phải tạm dừng để chờ đồng bộ với dự án thay thế một phần đê đất bằng đê bê tông đoạn từ Khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân; Đường dây 110kV Bắc An Khánh đi Nam An Khánh vào vận hành theo quy hoạch năm 2014, đến nay vẫn đang thu thập số liệu để lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi do phải chờ đồng bộ với tuyến đường vành đai 3,5 và nút giao đồng mức đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long trên địa bàn huyện Hoài Đức...
“Công tác thỏa thuận vị trí trạm và hướng tuyến đường dây còn gặp nhiều khó khăn, phải thỏa thuận với nhiều cấp, mất rất nhiều thời gian, không nhận được sự đồng thuận của một số tổ chức, cá nhân dẫn đến phải thay đổi vị trí, phải thỏa thuận nhiều lần và điều chỉnh quy hoạch cục bộ (TBA 220kV Thanh Xuân, TBA 110kV Thủ Lệ, TBA 110kV Phú Xuyên ... )”- ông Nguyễn Quang Trung chỉ ra.
Bên cạnh đó, về công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, kéo dài nhiều năm như đường dây 110kV cấp điện cho TBA 110kV Phú Xuyên, Cải tạo đường dây 110kV Hà Đông - Sơn Tây, TBA 110kV Tây Hồ Tây...
Không để các dự án điện chậm tiến độ
Để đạt được mục tiêu đảm bảo cung ứng và sử dụng điện trên địa bàn TP trong giai đoạn tiếp theo với chủ trương điện năng luôn phát triển trước và là nền tảng cho các ngành kinh tế khác, Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, về công tác quản lý quy hoạch điện: Năm 2020 là năm cuối thực hiện chu kỳ 5 năm của Quy hoạch phát triển điện lực TP.Hà Nội giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035. Việc xác định danh mục các công trình điện, địa điểm, phương thức đấu nối, quy mô khối lượng thực hiện đầu tư xây dựng đặc biệt là các công trình trọng điểm, cấp bách cần được quan tâm thực hiện sớm làm căn cứ để UBND TP và các địa phương chủ động dự phòng, bố trí quỹ đất, các Chủ đầu tư thuận lợi hơn trong việc sắp xếp nguồn kinh phí.
Ông Nguyễn Thái Sơn - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về Phát triển điện lực kết luận về công tác rà soát tiến độ và kiểm tra một số dự án lưới điện khu vực TP. Hà Nội giai đoạn 2016-2025 |
Sở Công Thương Hà Nội cũng đề nghị Ban chỉ đạo phát triển điện lực Quốc gia có ý kiến chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao UBND TP và cơ quan chuyên ngành tại địa phương lập nhiệm vụ, trình thẩm định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực TP theo chu kỳ 5 năm để đánh giá tổng thể, toàn diện kết quả thực hiện Quy hoạch được phê duyệt trong 5 năm vừa qua, đề xuất những điều chỉnh cần thiết phù hợp với biến động của TP, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Riêng đối với công tác giải phóng mặt bằng các công trình điện: Đây là vướng mắc chủ yếu của các chủ đầu tư khi triển khai các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn TP. Những tồn tại trên đã được ghi nhận trong thời gian dài, xuất hiện lặp lại tại nhiều dự án khác nhau và phần lớn liên quan đến lĩnh vực đất đai. “Đề nghị Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét sớm có hướng dẫn UBND TP để từng bước tháo gỡ khó khăn”- đại diện Sở Công Thương Hà Nội đề xuất.
Về phía EVNHANOI cũng kiến nghị, Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển điện lực xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bàn hành các cơ chế, chính sách giúp Tổng công ty tháo gỡ các khó khăn trong công tác đầu tư xây dựng lưới điện.
Về cơ chế, giấy phép xây dựng đối với các dự án lưới điện đã được cấp có thẩm quyền của địa phương chấp thuận sự phù hợp về quy hoạch, Tổng mặt bằng và phương án kiến trúc, kiến nghị không phải thực hiện các thủ tục cấp Giấy phép xây dựng.
Đánh giá cao nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án điện trên địa bàn Hà Nội, ông Nguyễn Thái Sơn - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về Phát triển điện lực cho biết, thực tế các dự án điện chậm tiến độ chủ yế là do công tác đền bù giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư, ngoài ra trong bối cảnh dịch Covid-19 cũng gây ra những thách thức nhất định với nguồn lực thực hiện dự án. “Các Sở Ban ngành và lãnh đạo UBND TP cần xem xét cải tiến các thủ tục công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng, phải xác định các dự án đường dây và TBA điện là những công trình hạ tầng kỹ thuật để tổ chức thực hiện; khi quy hoạch các khu đô thị, các khu công nghiệp, Chủ đầu tư và các cấp quản lý (Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng) cần có trách nhiệm quy hoạch dành quỹ đất cho xây dựng TBA nguồn và các đường dây tải điện, cấp điện khi lập, thẩm định quy hoạch cho khu đô thị”, ông Nguyễn Thái Sơn chỉ ra.
Ông Sơn lưu ý, thời gian tới Sở Công Thương và EVNHANOI nên phối hợp rà soát đánh giá tình hình thực hiện một số dự án lưới điện khu vực TP Hà Nội đã có trong quy hoạch giai đoạn 2016-2025, tập trung nguồn lực triển khai các công trình nguồn (các TBA 220 kV cấp nguồn cho các trạm 110 kV) và giải quyết dứt điểm các TBA 110 kV khu vực nội thành mà đã bị chậm trễ tiến độ đến 4,5 năm nay. Trên cơ sở rà soát, nếu cần thiết đề xuất bổ sung điều chỉnh ngay việc điều chỉnh quy hoạch lưới điện theo đúng Nghị quyết 110/2019/NQ-CP của Chính phủ và quyết định 329/QĐ-BCT của Bộ Công Thương;
Ngoài ra, Sở Công Thương và EVNHANOI cần đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn TP, phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan làm chậm tiến độ dự án, cơ chế chính sách tác động đến tình hình triển khai thực hiện các dự án, đẩy nhanh tiến độ các công trình, hạng mục quan trọng để đạt được mục tiêu đảm bảo cung ứng điện trên địa bàn TP trong năm 2020 – 2021 và các năm tiếp theo. “Trên cơ sở này, Ban chỉ đạo phát triển điện lực TP. Hà Nội cần kiến nghị lãnh đạo TP gắn trách nhiệm hoàn thành việc tháo gỡ khó khăn về thực thi công tác bồi thường giải phóng mặt bằng theo các quy định nhằm đảm bảo tiến độ dự án điện”- ông Nguyễn Thái Sơn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Sơn cũng yêu cầu, EVNHANOI, Ban Quản lý dự án điện, Sở Công Thương cần khẩn trương báo cáo các vướng mắc, đề xuất kiến nghị cụ thể để khắc phục thực trạng chậm tiến độ các dự án, nhất là các dự án điện trọng điểm của TP để Văn phòng Ban chỉ đạo kịp thời tổng hợp, báo cáo Thường trực và Lãnh đạo Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực xem xét chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền, nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy cho Thủ đô.
Đoàn công tác đi thực tế rà soát tiến độ và kiểm tra một số dự án lưới điện khu vực TP. Hà Nội giai đoạn 2016-2025 bao gồm: Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, đại diện các Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương); Vụ Kinh tế Công nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. |