Văn hóa không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ông có thể cho biết đánh giá về nguồn lực văn hóa đối với sự phát triển của Thủ đô, nhất là sau năm 1954, khi hòa bình lập lại?
PSG.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội |
Hơn 1.000 năm là kinh đô, Hà Nội tập trung tinh hoa của đất nước. Cũng nhờ sự kết hợp của văn hóa bản địa, vùng miền đã tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng, mang đậm chất kinh kỳ cho Hà Nội. Ngay cả khi mở rộng địa giới hành chính, văn hóa Thăng Long kết hợp với văn hóa xứ Đoài tiếp tục tạo nên sự đa dạng, nhưng vẫn có nét riêng. Với 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, 1.206 lễ hội diễn ra trong năm, khoảng 300 làng nghề thủ công truyền thống…, Hà Nội là địa phương có nhiều di sản văn hóa nhất cả nước. Chính thương hiệu thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo với hệ thống các di sản văn hóa được UNESCO công nhận đã làm cho Hà Nội trở nên vô cùng đặc biệt.
Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản, tạo nguồn lực phát triển |
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, nguồn lực văn hóa của Hà Nội luôn được gìn giữ, phát huy, thể hiện rõ nét nhất qua sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa - sáng tạo. Đến nay, lĩnh vực này đã tạo ra những giá trị gia tăng cho các sản phẩm kinh tế, giúp văn hóa trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế của Hà Nội. Số liệu năm 2018 cho thấy ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo đã đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn TP. Hà Nội (chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP), trong đó, giá trị gia tăng của ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí của Hà Nội đạt khoảng 196,5 triệu USD (chiếm tỷ trọng 0,49% GRDP).
Di sản văn hóa được coi là một phần hồn cốt của Hà Nội, tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa, hội nhập đang gia tăng sức ép rất lớn đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị di sản của Thủ đô. Theo ông, nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Chúng ta đều nhận thấy rằng, sau hòa bình lập lại năm 1954 và khi đất nước thống nhất, hội nhập và phát triển, Hà Nội có thêm kinh nghiệm, hiểu biết, nguồn lực cho bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Nhiều di tích được tu bổ, tôn tạo từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, giúp cho các di tích này được giữ gìn, bảo quản; nhiều di sản văn hóa phi vật thể được phục hồi, thậm chí được tôn vinh với các danh hiệu quốc gia, quốc tế; các nghệ nhân - báu vật nhân văn sống cũng được quan tâm, tạo điều kiện thực hành di sản nhiều hơn, đóng góp nhiều hơn trong trong quá trình phát triển kinh tế.
Hà Nội sở hữu kho tàng văn hóa lễ hội truyền thống đặc sắc |
Tuy vậy, đúng là đang có những thách thức lớn đặt ra với các di sản của Hà Nội đến từ các thay đổi của hội nhập, đô thị hóa. Như, việc thu hẹp không gian di tích khiến việc thực hành di sản thiếu môi trường diễn xướng, nhu cầu sửa chữa, nâng cấp khiến cho nhiều di tích bị mất đi giá trị nguyên gốc. Đây là điều đáng lo ngại, bởi nếu để kho tàng di sản mất đi thì sẽ không bao giờ có thể lấy lại được và điều quan trọng là Hà Nội sẽ mất đi một phần của lịch sử, nguồn sử liệu quý giá, cũng như mất đi những ký ức, hoài niệm nghìn năm văn hiến vốn là mạch nguồn nuôi dưỡng cho khát vọng vươn lên.
Thanh lịch vốn là niềm tự hào của Hà Nội, nhưng giá trị này dường như đang dần phôi pha, thưa ông?
Nét văn hóa Hà Nội thể hiện qua rất nhiều điều, trong đó, con người được coi là chủ thể của văn hóa, yếu tố cốt lõi để tạo nên những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội. Người Hà Nội thanh lịch hào hoa, đã tạo nên lối sống riêng có cho Thủ đô trong bất cứ hoàn cảnh, giai đoạn phát triển nào. Song cũng phải thừa nhận, khi Thủ đô mở cửa hội nhập, bước vào kinh tế thị trường, giao thoa văn hóa khiến cho nếp sống, lối sống của người Hà Nội dần thay đổi, khác xưa, những hiện tượng không lành mạnh, kém văn hóa xuất hiện nên các giá trị nhân văn có lẽ thế mà phôi pha.
Trước nguy cơ đó, việc Hà Nội thúc đẩy xây dựng chiến lược phát triển người Hà Nội văn minh, thanh lịch theo tôi là chủ trương rất đúng đắn. Bởi hơn bao giờ hết, xây dựng và phát triển văn hóa, con người xứng tầm, tiêu biểu, đi đầu cả nước là hết sức cần thiết đối với Hà Nội “trái tim của cả nước”, mặt khác, nhằm tạo môi trường lành mạnh, tiền đề cho con người phát triển toàn diện, tạo một bước chuyển căn bản về nếp sống phù hợp với sự thanh lịch của mảnh đất nghìn năm văn hiến.
Trước áp lực tăng trưởng kinh tế, tác động tiêu cực từ khủng hoảng xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra hiện nay, theo ông, Hà Nội cần làm gì để phát huy và đưa văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng, quyết định sự phát triển của thành phố thời gian tới?
Tôi cho rằng, giai đoạn khó khăn hiện nay có thể giúp chúng ta thay đổi tư duy trong phát triển văn hóa của Thủ đô. Thay vì đi tìm những giải pháp mang tính đối phó, cần hình thành một tư duy mới trong quản lý và phát triển văn hóa. Đây chính là cách chúng ta không chỉ khắc phục những khó khăn của hiện tại và còn định hướng cho sự phát triển trong tương lai. Chuyển đổi số là một trong những giải pháp như vậy, các thiết chế văn hóa cần phải suy nghĩ nhiều hơn về vấn đề này. Hà Nội cũng cần chú ý nhiều hơn đến quyền văn hóa của người dân trong quá trình quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Qua đó, nhằm tạo ra một động lực lớn cho sự phát triển văn hóa, tạo ra sức sống bền vững cho các di sản.
Bên cạnh đó, chính quyền Thủ đô cần tạo hành lang pháp lý và các quy định, hay nói cách khác là luật chơi và “sân chơi” cho doanh nghiệp, cộng đồng để tạo ra một lĩnh vực năng động, phù hợp với xu thế chung; vừa củng cố, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho Thủ đô và đất nước. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển văn hóa, tiêu chí xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh; xây dựng cơ chế pháp lý để ngăn chặn sự xuống cấp về văn hóa, suy giảm đạo đức…
Xin cảm ơn ông!