Hà Nội kết luận chi tiết xây cầu Tứ Liên, cầu Ngọc Hồi và cầu Trần Hưng Đạo
Ngày 5/3, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã ban hành thông báo số 100 /TB-VP về kết luận, chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại buổi họp nghe báo cáo về kế hoạch triển khai 3 dự án đầu tư: Xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa); xây dựng cầu Trần Hưng Đạo; xây cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu và một số nội dung khác.
UBND TP. Hà Nội vừa có thông báo về kết luận, chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố trong việc xây dựng cầu Tứ Liên, cầu Ngọc Hồi và cầu Trần Hưng Đạo (Ảnh: Lâm Hiển). |
Trên cơ sở nghe báo cáo, đánh giá ý kiến của các sở, ngành và các doanh nghiệp trong cuộc họp ngày 27/2/2025 về việc triển khai 3 dự án đầu tư nói trên; Chủ tịch TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có kết luận chỉ đạo gồm những điểm chính về: Thời gian tổ chức khởi công các dự án đầu tư, phương án tuyến, vị trí tuyến các dự án đầu tư, việc lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu, giải phóng mặt bằng – tái định cư của các dự án…
Văn bản của UBND thành phố nêu: Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, “kỷ nguyên vươn mình”; thành phố Hà Nội đã đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 là trên 8%.
Do vậy, để đạt được mục tiêu này, yêu cầu tất cả các sở, ngành thành phố, địa phương, đội ngũ cán bộ công chức cần thay đổi tư duy nhận thức, phương thức làm việc, nâng cao hiệu quả xử lý, giải quyết công việc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Về thời gian tổ chức khởi công các dự án
Việc xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu; xây dựng cầu Trần Hưng Đạo; lãnh đạo thành phố quyết tâm khởi công xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu trong dịp 19/5/2025 và sau đó tiếp tục khởi công xây dựng cầu Trần Hưng Đạo.
Văn bản kết luận giao Sở Giao thông Vận tải (Sở Xây dựng mới) chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan hoàn chỉnh kế hoạch chi tiết để đảm bảo tiến độ.
Về phương án tuyến, vị trí tuyến các dự án đầu tư
Thành phố yêu cầu Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố khẩn trương phối hợp với UBND các quận, huyện có liên quan thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội tại Văn bản số 2097/VP-ĐT ngày 25/2/2025 và Văn bản số 4376/UBND-ĐT ngày 26/12/2024.
Về việc lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội giao Sở Giao thông Vận tải (Sở Xây dựng mới) chủ trì cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư (Sở Tài chính mới), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố nghiên cứu, áp dụng các quy định của pháp luật mới ban hành để thực hiện chỉ định thầu các gói thầu dịch vụ tư vấn, rút ngắn thời gian thực hiện. Trường hợp cần thiết, báo cáo UBND thành phố xem xét, chỉ đạo để báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi triển khai thực hiện.
Đối với dự án đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (Sở Tài chính mới), Sở Giao thông Vận tải (Sở Xây dựng mới), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố khẩn trương phối hợp với các đơn các đơn vị thuộc Bộ Tài chính theo chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội tại Văn bản số 1935/VP-ĐT ngày 21/2/2025 và các đơn vị của UBND tỉnh Hưng Yên để hoàn thiện các hồ sơ cần thiết (nếu cần).
Trên cơ sở đó, giao Sở Tài chính tham mưu, bám sát nội dung để xác định đầu tư công Trung ương hỗ trợ mục tiêu cho dự án này, trường hợp cần thiết đề xuất, báo cáo UBND TP. Hà Nội có văn bản báo cáo bổ sung Bộ Tài chính (mới), Thủ tướng Chính phủ.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao Hà Nội là cơ quan chủ quản thực hiện dự án đầu tư và xác định đầu tư công Trung ương hỗ trợ mục tiêu cho dự án, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (Sở Tài chính mới) chủ trì, tham mưu thành phố các thủ tục theo quy chế làm việc của Thành ủy Hà Nội và trình Hội đồng nhân dân thành phố quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 3/2025 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.
Về giải phóng mặt bằng, tái định cư của các dự án đầu tư
TP. Hà Nội giao UBND huyện Đông Anh khẩn trương bố trí quỹ đất sạch đã giải phóng mặt bằng tại các vị trí thuận lợi để đầu tư dự án khu tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng 2 dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dân hai đầu cầu và dự án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo, xây dựng cầu Ngọc Hồi và các dự án đầu tư quan trọng khác của thành phố.
Văn bản kết luận của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng giao Sở Xây dựng phối hợp với các quận: Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Long Biên, Hoàng Mai để bố trí quỹ nhà tái định cư (chung cư) đối với các trường hợp không đủ điều kiện để tái định cư bằng đất.
Đồng thời, giao UBND các quận, huyện (là chủ đầu tư các dự án thành phần giải phóng mặt bằng): khi thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng các hộ dân thuộc phạm vi dự án; các quận, huyện xem xét, giải quyết cơ chế chính sách bồi thường, hỗ trợ tối đa theo quy định của pháp luật; xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, chi tiết và chuẩn bị các công việc cần thiết để triển khai nhanh nhất công tác giải phóng mặt bằng.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở Nông nghiệp và Môi trường mới) chủ trì, nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố thành lập tổ công tác để tham mưu, đề xuất thành phố giải quyết các chế độ, chính sách trong giải phóng mặt bằng để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư quan trọng, trọng điểm của thành phố.
Đối với việc giải quyết hồ sơ liên quan
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các sở, ngành thành phố, các địa phương quán triệt, chỉ đạo triển khai, xử lý, giải quyết ngay, không để chậm trễ trong việc giải quyết hồ sơ liên quan đến các dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dân hai đầu cầu; xây dựng cầu Trần Hưng Đạo; xây dựng cầu Ngọc Hồi.
Văn bản kết luận cũng phân công Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn chỉ đạo, họp giao ban kiểm điểm tiến độ vào thứ 5 hằng tuần về các dự án: 3 dự án đầu tư xây dựng các cầuTứ Liên; xây dựng cầu Trần Hưng Đạo; xây dựng cầu Ngọc Hồi và các dự án khác cần triển khai khẩn trương, quyết liệt (Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô; cải tạo không gian khu vực phía Đông hồ Hoàn Kiếm; các dự án đường giao thông khu vực hồ Tây; chỉnh trang khu vực hai bên sông Tô Lịch).
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội sẽ chủ trì giao ban đối với các dự án trên 2 tuần một lần.