Cụ thể, mục tiêu Hà Nội đặt ra là 100% các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc Thành phố không sử dụng túi ni lông khó phân hủy, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và hạn chế 80% các sản phẩm nhựa khó phân hủy từ tháng 11/2019. Bên cạnh đó, thay đổi thói quen, giảm dần việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy sử dụng một lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt cộng đồng dân cư và hoạt động sả xuất kinh doanh dịch vụ từ năm 2020. Tăng cường thu gom, tái chế chất thải nhựa từ hoạt động sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy. Giảm thiểu sự phát thải chất thải nhựa trên địa bàn Thành phố. Đến 31/12/2020 hạn chế tối đa các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng bằng nhựa.
Rác thải nhựa còn gọi là “ô nhiễm trắng” đã và đang gây ra gánh nặng với môi trường |
Để giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt, Thành phố yêu cầu tất cả các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước thuộc Thành phố không sử dụng nước uống đóng chai nhựa (có thể tích 330ml - 500ml) trong công sở và khi tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động ngoài trời chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn (> 20 lít) hoặc sử dụng các bình thủy tinh, chai đựng nước bằng giấy... và các vật liệu khác thân thiện với môi trường. Đặc biệt không sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa và giảm tối đa việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong các hoạt động mua sắm, vận chuyển tại cơ quan, nơi làm việc.
Để đạt mục tiêu này, Thành phố đã giao các đơn vị liên quan tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của túi ni lông và chất thải nhựa và một số biện pháp chủ động áp dụng để hạn chế sử dụng túi ni lông; hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt của người dân. Khuyến khích, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường và giảm thiểu sử dụng đối với sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy đối với từng hộ gia đình, ở các khu dân cư, chợ, siêu thị, trường học, trung tâm thương mại, khu du lịch, khu danh lam thắng cảnh, khu di tích lịch sử…
Ống hút, thìa, cốc, bát, đĩa nhựa dùng một lần; hộp xốp; nước đóng chai nhựa; những chiếc túi ni lông làm từ nhựa... là những vật dụng được sử dụng phổ biến trong đời sống hằng ngày bởi tính tiện lợi và giá thành rẻ. Việt Nam được xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới và được nhận định là 1 trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất, với khoảng 1,8 triệu tấn ra môi trường mỗi năm. Chỉ tính riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông.
Rác thải nhựa còn gọi là “ô nhiễm trắng” đã và đang gây ra gánh nặng với môi trường. Đây đang là bài toán nan giải mà các cấp, các ngành, các địa phương đang nỗ lực tìm cách khắc phục. Đáng lo ngại, người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hàng ngày, càng khiến việc xử lý rác thải nhựa thêm khó khăn. Do đó, để rác thải nhựa không trở thành gánh nặng với môi trường thì việc nâng cao ý thức của mỗi người dân trong việc thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần là điều hết sức quan trọng.