Tham dự Hội nghị còn có Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà; lãnh đạo các sở, ngành thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã; Hiệp hội Quảng cáo Hà Nội; cùng hơn 120 doanh nghiệp đại diện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội trên địa bàn thành phố.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà cho biết, với vai trò là Thủ đô của Việt Nam, Hà Nội đang định hướng và phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa và thể thao.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì Hội nghị |
Theo đó, nhằm nâng cao vị thế và tăng hiệu quả kinh tế của hoạt động văn hóa, xã hội trên địa bàn, Thành ủy Hà Nội đã có những định hướng thu hút đầu tư của thành phố thông qua việc ban hành các chương trình, nghị quyết: Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
HĐND thành phố cũng đã ban hành: Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cho các dự án thuộc Kế hoạch 03 lĩnh vực (giáo dục, y tế, di tích); Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 12/9/2022 quy định phân cấp quản lý nhà nước về một số lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố đối với những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố; Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 12/9/2022 về thông qua Đề án phân cấp, ủy quyền.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu khai mạc Hội nghị |
Với sự chỉ đạo của Thành ủy, HĐND thành phố, Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng kể trong hoạt động đầu tư và phát triển các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, và thể thao.
Cụ thể, đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thành phố đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nâng cấp nhiều trường học, đặc biệt là các cơ sở giáo dục chất lượng cao và hiện đại. Chất lượng giáo dục được cải thiện về chương trình giảng dạy, áp dụng công nghệ mới và nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên. Một số trường đại học và học viện tại Hà Nội đã đạt được thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng quốc gia và quốc tế.
Đối với lĩnh vực y tế, Hà Nội đã xây dựng cơ sở y tế và nâng cấp nhiều bệnh viện, cơ sở y tế, bao gồm cả các bệnh viện công và tư nhân, nhằm cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao hơn. Triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nâng cao năng lực cho đội ngũ y bác sĩ, và ứng dụng công nghệ mới trong chẩn đoán và điều trị để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Với lĩnh vực văn hóa, thành phố cũng đã và đang thực hiện các dự án bảo tồn và phục hồi các di tích văn hóa và lịch sử quan trọng, như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long, di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa, Chùa Hương... Tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa và nghệ thuật lớn, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và giao lưu văn hóa trong và ngoài nước.
Đối với lĩnh vực thể thao, thành phố đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cấp các cơ sở thể thao, bao gồm sân vận động, trung tâm thể thao và bể bơi công cộng. Tổ chức thành công các sự kiện thể thao lớn và quốc gia, tạo cơ hội cho người dân tham gia và theo dõi các môn thể thao yêu thích.
“Những kết quả này phản ánh sự cam kết của Hà Nội trong việc phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân qua các lĩnh vực trọng yếu”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà nhấn mạnh.
Đại diện các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư tham dự Hội nghị |
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà, những năm qua, Hà Nội đã có những bước tiến quan trọng trong việc khuyến khích đầu tư và phát triển các dự án văn hóa - xã hội. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức mà các doanh nghiệp gặp phải trong quá trình triển khai các dự án của mình.
“Mục tiêu của Hội nghị ngày hôm nay, UBND thành phố Hà Nội mong muốn được lắng nghe và hiểu rõ hơn về những khó khăn mà các doanh nghiệp đang đối mặt, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp và hiệu quả. Chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận về các vấn đề như chính sách hỗ trợ, cơ chế giải quyết thủ tục hành chính và các yêu cầu về tài chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa - xã hội.
UBND thành phố Hà Nội tin tưởng rằng, với sự tham gia tích cực của các đại biểu và các doanh nghiệp, hội nghị sẽ đạt được những kết quả khả quan, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành văn hóa - xã hội, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng cư dân tại Hà Nội”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà bày tỏ.
Quang cảnh Hội nghị |
Theo Ban Tổ chức Hội nghị, trong quá trình chuẩn bị, các cơ quan chức năng của thành phố đã tiếp nhận, tổng hợp và sàng lọc trên 66 lượt kiến nghị của 57 doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, được tổng hợp theo 6 lĩnh vực với 20 nhóm vấn đề như sau:
1 - Lĩnh vực giáo dục: 4 nhóm vấn đề về bổ sung cấp học, thủ tục đầu tư xây dựng trường học ngoài công lập, thủ tục đăng ký hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa và cấp giấy phép hoạt động.
2 - Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp: 3 nhóm vấn đề về cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; cấp phép cơ sở đào tạo và người lao động đào tạo nghề; cơ chế đặt hàng đào tạo nghề.
3 - Lĩnh vực y tế: 03 nhóm vấn đề về cơ chế chính sách hỗ trợ; môi trường đầu tư; liên kết và hợp tác.
4 - Lĩnh vực quảng cáo: 03 nhóm vấn đề về chuyển mục đích sử dụng đất; triển khai lắp đặt màn hình LED; triển khai thực hiện quy định về quản lý hoạt động quảng cáo.
5 - Lĩnh vực văn hóa nghệ thuật: 04 nhóm vấn đề về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; hoạt động tổ chức biểu diễn; thẩm định và cấp phép tác phẩm nghệ thuật; sao chép tác phẩm nghệ thuật.
6 - Lĩnh vực thể thao: 03 nhóm vấn đề về đăng ký cơ sở tổ chức tập luyện và thi đấu; quản lý đào tạo và tập luyện đối với một số môn thể thao mới; cấp phép cơ sở huấn luyện và nhân lực đào tạo.
Tại Hội nghị, các câu hỏi của đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư được lãnh đạo các sở, ngành chức năng của thành phố Hà Nội trả lời chi tiết. Đặc biệt, Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện tập trung quyết liệt để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và "điểm nghẽn" của thực tiễn trong đầu tư, hoạt động của lĩnh vực văn hóa - xã hội nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội của Thủ đô hội nhập - phát triển - bền vững.
Với quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp, vì sự phát triển chung của Thủ đô và cả nước, việc tổ chức đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội là hướng đi đúng để thành phố Hà Nội có định hướng phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội bền vững trong thời gian tới.