Theo Cục Thống kê TP. Hà Nội, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV cho thấy, có 34,9% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV tốt hơn quý III; 30,5% số DN đánh giá gặp khó khăn và 34,6% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
Phân xưởng sản xuất của Công ty CP Tập đoàn Sunhouse tại Khu công nghiệp km 21 đường Láng - Hòa Lạc, Hà Nội |
Nếu những tháng tiếp theo tình hình dịch Covid-19 được khống chế, có 33,8% số DN dự kiến quý I/2022 sẽ tốt lên so với quý IV/2021; 21% số DN dự báo khó khăn hơn và 45,2% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Trong đó, 90,9% số DN khu vực Nhà nước dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2022 sẽ tốt hơn và giữ ổn định so với quý IV/2021; tỷ lệ này ở khu vực DN ngoài Nhà nước và DN FDI cho thấy lần lượt là 78,9% và 75,6%.
Cũng theo Cục Thống kê TP. Hà Nội, trong tháng 12/2021, thành phố có 2.232 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký đạt 46,1 nghìn tỷ đồng; thực hiện thủ tục giải thể cho 289 DN; đăng ký tạm ngừng hoạt động cho 1.929 DN; có 1.643 DN trở lại hoạt động. Cộng dồn cả năm 2021, TP. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký cho 24,1 nghìn DN thành lập mới, giảm 9% so với năm 2020; tổng số vốn đăng ký mới đạt 345,7 nghìn tỷ đồng, giảm 16%; thực hiện thủ tục giải thể cho 3,1 nghìn DN, tăng 22%; có 13,1 nghìn DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 29%; 10,9 nghìn DN trở lại hoạt động, tăng 80%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký DN qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.
Bước sang năm 2022, dự báo dịch Covid-19 vẫn còn diến biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và đời sống người dân. Để hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năm 2022, trong đó GRDP tăng từ 7,0% - 7,5%, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; của thành ủy, HĐND, UBND thành phố về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022; thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; tập trung thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Trong đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN; cải tiến quy trình, thủ tục để DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Bên cạnh đó, triển khai các chính sách ưu đãi nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực để hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho DN và người dân.