![]() |
Tiếp tục tăng cường quản lý và phát triển đô thị
Năm 2016, Hà Nội triển khai năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm 2016-2020 với tinh thần quyết liệt, đổi mới toàn diện hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô “Xanh - Văn hiến - Văn Minh - Hiện đại”. Nhiều cơ chế, chính sách và cách làm mới, sáng tạo được triển khai thực hiện như: Ban hành nghị quyết chuyên đề về giải phóng mặt bằng; xây dựng nhà tái định cư theo cơ chế xã hội hội hóa, đặt hàng doanh nghiệp; quy hoạch đê; xã hội hóa đầu tư cải tạo đồng bộ các khu chung cư cũ; xã hội hóa cấp nước sạch khu vực nông thôn; xử lý ô nhiễm tại môi trường tại các hồ trên địa bàn; trồng mới tăng diện tích cây xanh đô thị…
Riêng trong công tác quy hoạch, TP. Hà Nội đã phê duyệt 26/35 đồ án quy hoạch phân khu, 30/33 đồ án quy hoạch chung; thẩm định và đang xem xét phê duyệt 80 hồ sơ quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị, hai bên tuyến đường, chỉ giới đường đỏ.... Bên cạnh đó, hoàn thành một số đồ án quy hoạch chi tiết nhà tang lễ quốc gia, công viên nghĩa trang huyện Mỹ Đức, quy hoạch chi tiết 2 bên tuyến đường Lê Văn Lương và Lê Văn Lương kéo dài…
Thành phố cũng hoàn thành các quy hoạch chi tiết đối với các khu vực quan trọng khác như: Dự án Trung tâm triển lãm quốc tế - quốc gia và các dự án đối ứng tại Mễ Trì, Giảng Võ; tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc làng nghề Bát Tràng, Vạn Phúc...; phê duyệt đồ án thiết kế đô thị hai bên tuyến đường Xuân Thủy; ban hành Quy chế quản lý các công trình cao tầng khu vực nội đô; phê duyệt Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở các cơ quan tư pháp thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát về quy hoạch và từng bước giải quyết nhu cầu trường học, sân chơi vườn hoa công cộng.
Các quy hoạch xã nông thôn mới đang được thành phố tiếp tục rà soát, cập nhật vào quy hoạch chung xây dựng các huyện để phù hợp với đồ án quy hoạch chung xây dựng các huyện đã được phê duyệt, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội từng địa phương.
Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, thành phố hoàn thành thông xe đường vành đai 2 đoạn Nhật Tân-Cầu Giấy; nút giao thông trung tâm quận Long Biên; cơ bản hoàn thành thông xe tuyến đường Vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái; cơ bản hoàn thành đoạn từ Ngã Tư Vọng - Tôn Thất Tùng thuộc dự án đường Vành Đai 2, Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng và dự kiến hoàn thành cơ bản 2 công trình cầu vượt chống ùn tắc trong nội đô: Cầu vượt ô Đông Mác - Nguyễn Khoái, nút giao Cổ Linh thuộc quận Long Biên.
Đặc biệt, năm 2016, Hà Nội thí điểm triến khai cơ giới hóa công tác vệ sinh môi trường qua việc quét hút, rửa đường, quét rác; sử dụng xe ô tô 0,5 tấn và xe 1,25 tấn thu gom rác tại các tuyến phố chính. Tuyên truyền, vận động nhân dân không vứt rác ra đường, thực hiện đổ rác đúng giờ. Tổ chức vận hành tốt các khu xử lý rác.
Hiện nay, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị đã được thu gom và xử lý khoảng 98%, tại khu vực nông thôn là 87%. Dự kiến đến hết năm 2016 trên địa bàn thành phố sẽ có 19/43 cụm công nghiệp đang hoạt động có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn quốc gia tương ứng, đạt tỷ lệ 44%.
Phát triển mạng lưới giao thông hiện đại
Những hạn chế còn tồn tại của năm 2016 được TP. Hà Nội nhận định trong công tác quản lý đô thị là trên một số địa bàn, công tác kiểm tra và xử lý vi phạm về trật tự xây dựng còn chậm, chưa quyết liệt; còn xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng đường, hè phố làm nơi kinh doanh, buôn bán. Công tác quản lý vận hành sử dụng nhà chung cư tái định cư vẫn còn bất cập.
Bên cạnh đó, tình trạng ùn tắc giao thông đang có xu hướng gia tăng, kể cả bên ngoài khu vực nội đô. Việc chấp hành luật của một số người tham gia giao thông chưa nghiêm. Hiện tượng “xe dù, bến cóc”, “xe khách trá hình”, “xe buýt nhái” chưa được xử lý triệt để tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự an toàn giao thông, ùn tắc giao thông và mỹ quan đô thị.
Chính vì vậy, công tác quy hoạch, quản lý trật tự, xây dựng đô thị, tài nguyên và cải thiện chất lượng môi trường được TP. Hà Nội đẩy mạnh trong năm 2017. Trong đó, mục tiêu là phát triển mạng lưới giao thông hiện đại, tập trung triển khai các công trình giao thông. Cụ thể, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành, đưa vào vận hành tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Chuẩn bị hoàn thành các thủ tục, khởi công các công trình đầu tư theo hình thức PPP ở quốc lộ 21, đường 70…
Đồng thời, tiếp tục thực hiện các mục tiêu đảm bảo trật tự xây dựng và văn minh đô thị, hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông. Xây dựng các cầu vượt và cải tạo, xây dựng lại các cầu yếu tại nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc, cầu vượt nút giao Trần Hưng Đạo - Lương Yên, mở rộng cầu Dịch Vọng...
Thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu công viên - hồ điều hòa Cầu Giấy, Nhân Chính, Kim Quy; mở rộng và nâng cao chất lượng xã hội hóa các dịch vụ đô thị; hoàn thành Quy hoạch điều chỉnh cấp nước; mở rộng mạng lưới cấp nước sạch tại các khu vực còn lại quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, các huyện: Thanh Trì, Gia Lâm, Chương Mỹ, Hoài Đức…
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao, cấp đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cải tạo, xây dựng chung cư cũ Kim Liên, Giảng Võ, Thành Công, Nguyễn Công Trứ; phát triến nhà ở xã hội và phục vụ nhu cầu các đối tượng thu nhập thấp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở sinh viên tại Pháp Vân - Tứ Hiệp, nhà ở công nhân tại Sóc Sơn, Chương Mỹ, nhà ở xã hội tại cổ Bi, Tiên Dương, Đại Mạch, Ngọc Hồi,...
Năm 2017, Hà Nội tiếp tục đầu tư hoàn thiện và mở rộng khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, mở rộng khu xử lý chất thải Xuân Sơn, Sơn Tây theo quy hoạch, khu xử lý rác thải tại xã Tân Tiến, Chương Mỹ... và xã hội hóa đầu tư xử lý rác thải trên địa bàn các huyện ngoại thành.