Hà Nội hỗ trợ 70% mức đóng bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số Hà Nội có thêm phố mang tên nhà thơ Thâm Tâm |
Năm 2023 được xem là năm khởi sắc của du lịch Thủ đô ở cả góc độ quảng bá, tuyên truyền và xây dựng sản phẩm mới. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội - bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh, dấu ấn nổi bật của du lịch Thủ đô năm qua là việc liên tiếp được vinh danh trong nhiều giải thưởng uy tín quốc tế cũng như được truyền thông quốc tế đánh giá cao.
Theo đó, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội trong năm 2023 đạt 24,72 triệu lượt khách, tăng 30,2% so với năm 2022 (tăng 11,7% so với kế hoạch). Trong đó, Hà Nội đón 4,72 triệu lượt khách quốc tế, tăng 2,8 lần so với năm 2022 và 20 triệu lượt khách nội địa, tăng 16,3% so với năm 2022.
Tổng thu từ khách du lịch đạt 93,41 nghìn tỷ đồng, tăng 142,5% so với năm 2022 (tăng 13,83% so với kế hoạch, tương đương 84,4% kết quả năm 2019). Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt khoảng 59,4%, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Năm 2024, Hà Nội phấn đấu đón 5,5 triệu lượt khách quốc tế (có 3,8 triệu lượt khách quốc tế có lưu trú), tăng 16,4% so với năm 2023. Ảnh: MH |
Với đà tăng trưởng của năm 2023, ngành Du lịch Hà Nội đặt ra mục tiêu mới cho năm 2024. Theo đó, Hà Nội phấn đấu đón khoảng 27 triệu lượt khách, tăng 9,2% so với năm 2023. Trong đó có 5,5 triệu lượt khách quốc tế (có 3,8 triệu lượt khách quốc tế có lưu trú), tăng 16,4% so với năm 2023 và 21,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,5% so với năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 103,74 nghìn tỷ đồng, tăng 11,1% so với năm 2023. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt 62%.
Về phương hướng phát triển ngành du lịch Thủ đô trong năm 2024, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng đã chỉ đạo, thời gian tới du lịch Hà Nội thúc đẩy triển khai xây dựng các dự án vui chơi, giải trí lớn phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố. Nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch để đánh giá, hoạch định chính sách và thúc đẩy phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Ngoài ra, các đơn vị cần xây dựng, triển khai đề án phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến dọc khu vực sông Hồng, sông Đuống; nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, đặc trưng của thành phố. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá; tổ chức các sự kiện chuyên nghiệp, hấp dẫn, mang dấu ấn thương hiệu du lịch Thủ đô...
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, để du lịch phát triển đột phá hơn, Hà Nội cần đổi mới dựa trên những dư địa đang phát triển, làm mới các sản phẩm từ nguồn lực đang có. "Với vai trò là trung tâm du lịch, giữ vai trò điều tiết khách, kết nối giữa các địa phương… Hà Nội cần tiếp tục tăng cường liên kết vùng để tạo những tour, tuyến du lịch hấp dẫn; đi tiên phong trong việc chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch"- ông Hùng đề nghị.