Công văn nêu rõ, để triển khai Đề án trái cây năm 2021 bảo đảm tiến độ theo kế hoạch của UBND thành phố, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tập trung triển khai thực hiện một số nội dung, phấn đấu đạt các chỉ tiêu như sau: Đến hết tháng 6/2021, tại các quận, 100% cửa hàng kinh doanh trái cây tại tuyến phố và nhân dân trên địa bàn được tuyên truyền về đề án; 100% cửa hàng đã được cấp biển theo đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP. Hà Nội” được rà soát, hướng dẫn và được cấp lại biển nhận diện theo đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2021”; 60% cửa hàng mới mở được cấp biển nhận diện; xây dựng 30% tuyến phố văn minh không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè.
Cấp logo cho cửa hàng kinh doanh trái cây đem lại hiệu quả rõ rệt |
Tại các huyện, Hà Nội cũng đặt mục tiêu 100% cửa hàng kinh doanh trái cây tại các tuyến phố và nhân dân trên địa bàn được tuyên truyền về đề án; 60% cửa hàng kinh doanh trái cây được cấp biển nhận diện; xây dựng 60% tuyến phố văn minh tại trung tâm huyện, thị xã không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè.
Toàn thành phố phấn đấu hết năm 2021 thực hiện các chỉ tiêu nêu trên đạt 100%; riêng việc xây dựng tuyến phố văn minh tại quận đạt 50%.
Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, UBND các quận, huyện thị xã tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn, vận động triển khai thực hiện các nội dung trên; hướng dẫn các cửa hàng kinh doanh trái cây hoàn thiện các điều kiện theo quy định; chỉ đạo các lực lượng chức năng địa phương tăng cường kiểm tra, giải tỏa, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh trái cây lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng;… Cùng với đó, công khai thông tin cửa hàng đã được cấp biển nhận diện, cửa hàng vi phạm quy định tại đề án để người tiêu dùng nắm rõ và lựa chọn…
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, sau 2 năm triển khai thực hiện, Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội” đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. 809/809 cửa hàng kinh doanh trái cây đã được cấp đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hoặc cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, biển nhận diện; 95% cửa hàng có trang thiết bị giám sát chất lượng, có trang thiết bị vận chuyển; 80% cửa hàng có tem truy xuất nguồn gốc… UBND các quận đã xây dựng được 40 tuyến phố văn minh không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè.
Đáng chú ý, Sở đã xây dựng hệ thống thông tin điện tử ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc trái cây, cấp mã QR truy xuất minh bạch thông tin cho 460 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục tham gia hn.check.net.vn với tổng bộ mã truy xuất được quản lý hơn 5.500 mã sản phẩm; đồng thời, tổ chức các hội chợ hàng hóa nông sản thực phẩm, các tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại các kênh phân phối của Hà Nội để quảng bá trái cây, nông sản các địa phương và hỗ trợ kết nối tiêu thụ vào kênh phân phối Hà Nội…
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, hiệu quả đề án là rất tốt. Cùng với việc nâng cao nhận thức của người kinh doanh khi chấp hành đủ các quy định của pháp luật, đảm bảo quy chuẩn, quy chế theo quy định. Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng khi mua sắm hàng hóa phải quan tâm đến truy xuất nguồn gốc, sản phẩm an toàn để đảm bảo sức khỏe.
Đề án đã đi vào hiệu quả thiết thực đối với cả cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, người tiêu dùng Thủ đô. Trong năm 2021, thành phố sẽ hướng dẫn, đôn đốc các cửa hàng hoàn thiện thủ tục, điều kiện theo quy định của đề án; thực hiện cấp biển nhận diện cho các cửa hàng đáp ứng điều kiện của đề án.