Thi tốt nghiệp THPT 2023: Đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế Thi tốt nghiệp THPT 2023: Những trường hợp nào sẽ được miễn thi môn ngoại ngữ? |
Ngày 15/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 giữa Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Thông tin về công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi của TP.Hà Nội, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết năm 2023, toàn TP.Hà Nội có 102.095 lượt thí sinh đăng ký dự thi; trong đó, số thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục THPT là 881.831 thí sinh (trong đó có 3.361 thí sinh tự do); số thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục thường xuyên là 13.264 thí sinh (trong đó có 293 thí sinh).
TP. Hà Nội báo cáo về công tác chuẩn bị thi. |
Dự kiến Hà Nội bố trí 4.263 phòng thi tại 189 điểm thi trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã; trong đó có 176 phòng thi ghép, số phòng chờ là 170 phòng, số phòng thi dự phòng là 378 phòng. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng điều động 14.907 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi tại các điểm thi; dự kiến điều động gần 600 cán bộ, giáo viên tham gia công tác chấm thi.
Ông Trần Thế Cương khẳng định: Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức hội nghị hướng dẫn, tập huấn công tác coi thi, thanh tra thi; tiếp tục chỉ đạo các sở ban ngành có liên quan và các quận, huyện thị xã hoàn thiện công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo tổ chức kỳ thi;
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị liên quan theo dõi tình hình diễn biến của dịch bênh, mưa bão, cung cấp điện để triển khai tổ chức kỳ thi tại địa phương phù hợp với thực tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thí sinh và tất cả những người tham gia tổ chức thi.
Trong đó, TP.Hà Nội sẽ tập trung mọi nguồn lực phục vụ công tác chuẩn bị tổ chức, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho các thí sinh tham dự kỳ thi.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thời gian tổ chức kỳ thi ngay trong khung kế hoạch thời gian của năm học, công bố từ đầu năm học để các địa phương được chủ động trong xây dựng kế hoạch năm học, nhất là kỳ thi, tuyển sinh của địa phương.
Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn cụ thể hơn về các vật dụng thiết yếu liên quan đến việc bảo đảm sức khỏe bản thân cho phép thí sinh mang vào phòng thi; có hướng dẫn danh mục máy tính cầm tay được mang vào phòng thi.
Trước ý kiến, kiến nghị của Hà Nội, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng tình và cho biết sẽ cố gắng chủ động có quy định thời gian tổ chức kỳ thi ngay từ đầu năm học để hướng đến mục tiêu tổ chức kỳ thi an toàn, khách quan, đúng quy chế.
Đặc biệt, tại hội nghị, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương rút kinh nghiệm từ vụ in đề thi in mờ dẫn đến thí sinh hiểu nhầm đề trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội vừa qua, các địa phương cần phải ưu tiên trang thiết bị tốt nhất đồng thời vẫn cần kiểm tra kỹ.
Toàn TP.Hà Nội có 102.095 lượt thí sinh đăng ký dự thi. Ảnh minh hoạ |
Đây là một trong những chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại Hội nghị về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2023 giữa Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh. Hội nghị diễn ra sáng nay, 15/6, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng lưu ý ban chỉ đạo thi các địa phương chú trọng công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi; công tác sao in, vận chuyển, bảo quản đề thi; giao nộp bài thi. Bên cạnh đó, cần có phương án dự phòng cho các trường hợp thiên tai, phòng chống cháy nổ và đảm bảo không cắt điện trong thời gian diễn ra kỳ thi, khu vực in sao đề thi, chấm thi.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023, kỳ thi năm nay có nhiều thuận lợi như dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát; học sinh lớp 12 được đến trường học trực tiếp; có lực lượng đủ kinh nghiệm để tổ chức Kỳ thi với quy mô lớn, phù hợp với từng địa bàn, từng tỉnh.
Tuy nhiên, kỳ thi vẫn có những khó khăn như lứa học sinh dự thi tốt nghiệp năm nay có hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 tâm lý chủ quan có thể xuất hiện do các đơn vị đã quen với việc tổ chức thi. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết cực đoan, khắc nghiệt, nắng nóng, thiếu điện… cũng là những khó khăn cần phải có phương án dự phòng.
Theo đó, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị Ban Chỉ đạo cấp quốc gia, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh quán triệt nhận thức về kỳ thi với tính chất hết sức quan trọng. Kết quả thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa là yếu tố đánh giá chất lượng chỉ đạo tổ chức dạy học của địa phương trong giáo dục phổ thông; nhiều cơ sở giáo dục đại học vẫn sử dụng kết quả thi này để xét tuyển. Vì thế, việc tổ chức thi cần bảo đảm các yếu tố nghiêm túc, công bằng, khách quan, an toàn, đúng quy chế.