Một quán nhậu tại khu vực hồ Ba Mẫu tụ tập đông người. |
Mặc dù Hà Nội chưa công bố hết dịch COVID-19 nhưng tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh đã diễn ra tràn lan trên địa bàn Thủ đô, bất chấp lệnh cấm của chính quyền thành phố cũng như chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan.
Vi phạm tràn lan
Theo khảo sát của phóng viên, chỉ trên một tuyến phố ngắn như Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng), tình trạng buôn bán, tụ tập đông người diễn ra sôi động không khác những ngày Hà Nội chưa có dịch COVID-19.
Khách trong các quán ăn, quán càphê, trà đá ngồi tràn ra vỉa hè. Xe máy cũng dựng kín lối đi của người đi bộ. Tình trạng này cũng diễn ra ở phố Thái Phiên và các tuyến phố xung quanh khác.
Còn tại ngõ 66B Triều Khúc (quận Thanh Xuân), tuy chỉ dài có hơn 300m nhưng có tới hàng chục quán trà đá, quán ăn, giải khát trên vỉa hè và dưới lòng đường. Những hàng quán tại đây trở thành tụ điểm tập trung đông người, gây mất trật tự đô thị và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Tương tự, trên các tuyến phố như Nguyễn Trãi, Trần Phú, Quang Trung, Nguyễn Quý Đức, Thanh Bình, Phùng Khoang cũng xuất hiện nhiều hàng quán trà đá vỉa hè vô tư hoạt động. Có thể kể đến các địa điểm như ngõ 475 và 477 Nguyễn Trãi; ngõ 4 và ngõ 12 Trần Phú; khu vực vườn hoa Hà Đông; đầu phố Phùng Khoang; cổng Bệnh viện Xây dựng trên đường Nguyễn Quý Đức...
Điều đáng nói là hằng ngày có rất đông quán trà đá và hàng rong hoạt động nhưng không mấy khi thấy sự xuất hiện của lực lượng chức năng địa phương, hoặc nếu có thì cũng chỉ dẹp được một lúc, rồi "đâu lại đóng đấy."
Đáng chú ý, theo ghi nhận tại chợ tạm ngõ Giáp Bát (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai), nhiều người bán, mua hàng còn không đeo khẩu trang, hoặc đeo không đúng cách.
Ở phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm), người dân một số nhà trên đường Bạch Đằng tràn ra vỉa hè để kê bàn ghế, bán trà đá.
Tình trạng không chấp hành chỉ đạo phòng, chống dịch của Ủy ban Nhân dân thành phố còn xuất hiện trước số nhà 415, 535, 537 đường Hồng Hà...
Tại địa bàn quận Đống Đa, thoạt nhìn phố Đào Duy Anh, Hồ Đắc Di không còn hàng quán bày bán, nhưng trên thực tế, hàng trà đá vẫn tồn tại ở khu vực vườn hoa dải phân cách phố Đào Duy Anh và sát vỉa hè hồ Nam Đồng.
Tại khu vực đường Xã Đàn, Đại Cồ Việt, lợi dụng ngõ nhỏ, một số quán trà đá lén lút hoạt động. Các quán trà đá số 11, ngõ 56, phố Trần Quang Diệu; số 31, ngõ 18, phố Võ Văn Dũng, phường Ô Chợ Dừa; số 19, ngõ 84, phố Trần Quang Diệu, phường Quang Trung vẫn bán hàng đều đặn.
Cũng tình trạng vi phạm như các quận nội thành khác, dạo qua các tuyến phố vốn sầm uất thuộc quận Ba Đình như Trúc Bạch, Phúc Xá, Nghĩa Dũng, Tân Ấp, Yên Phụ, Đội Cấn, Giang Văn Minh, Kim Mã... hiện vẫn còn nhiều quán trà đá kèm hàng ăn sáng, hàng rong chiếm vỉa hè, tụ tập họp chợ. Người mua bán không giữ khoảng cách, không đeo khẩu trang.
Ông Ngô Ngọc Điển, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Phúc Xá cho biết các hộ bán trà đá đã đóng cửa sau khi chính quyền và Công an phường ra quân nhắc nhở, nhưng khi vắng bóng lực lượng chức năng thì nhiều hộ vẫn tái vi phạm.
Tình trạng vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19 không chỉ diễn ra ở các quận nội đô mà còn xuất hiện tại các huyện ngoại thành.
Tuy thành phố chưa tuyên bố hết dịch nhưng người dân đã chủ quan với công tác phòng, chống dịch, không đeo khẩu trang nơi công cộng. Đặc biệt, ở các khu vực chợ dân sinh, người dân ngồi sát nhau và không đeo khẩu trang khi bán hàng.
Cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh
Thực trạng trên khiến dư luận đặt câu hỏi, các lực lượng lức chức năng của Hà Nội liệu có buông lỏng quản lý, dẫn đến tình trạng hàng quán bán tràn lan trên các tuyến phố, vi phạm lệnh cấm tụ tập đông người, cấm bán hàng rong, trà đá vỉa hè của thành phố hay không? Điều đó có dẫn đến tâm lý chủ quan của người dân trong công tác phòng, chống dịch?
Vào lúc cao điểm của dịch COVID-19, khi lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra kiểm soát, Hà Nội có được những ngày "đường thông, hè thoáng," nhờ vậy đã góp phần kiểm soát dịch bệnh một cách nhanh chóng.
Ông Dương Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa) thừa nhận mặc dù thị trấn đã thành lập Đội cơ động để tuyên truyền và tăng cường kiểm tra việc thực hiện phòng, chống dịch tại các siêu thị, chợ, cửa hàng ăn uống về việc đeo khẩu trang nơi công cộng, nhưng thực tế vẫn còn một số hộ kinh doanh chưa chấp hành tốt. Tâm lý chủ quan đã trở lại với nhiều người dân và các hộ kinh doanh.
Khách hàng ngồi tụ tập đông đúc, không giãn cách tại 1 quán càphê trên phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm. |
Tại phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy), nếu như cách đây gần một tháng, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, phường đã tăng cường nhắc nhở các trường hợp không đeo khẩu trang, kiên quyết xử lý hàng quán lấn chiếm vỉa hè, khiến tình trạng vi phạm giảm đến 80% thì vào thời điểm này, tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè lòng đường để kinh doanh đã lại quay trở lại.
Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nhìn nhận dù biết trà đá vỉa hè hay hàng rong vẫn đang là sinh kế của nhiều người ở Thủ đô nhưng trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, tất cả đều phải gác lại để nhường chỗ cho nhiệm vụ quan trọng nhất là phòng dịch, bảo vệ sức khỏe toàn dân.
Các chuyên gia cho rằng để lệnh cấm của lãnh đạo thành phố được thực hiện nghiêm, cần giao trách nhiệm cho những người đứng đầu các quận, huyện và phường, xã. Họ phải là người chịu trách nhiệm chính nếu sai phạm xảy ra trên địa bàn do mình phụ trách. Người dân cũng cần nâng cao ý thức chấp hành để tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại.
Mới đây, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Ngô Văn Quý cũng lưu ý các quận, huyện trong thời điểm giao mùa hiện nay, cần quan tâm đến các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, không để dịch chồng dịch, đảm bảo tốt nhất sức khỏe cho người dân…
"Chúng ta phải thực hiện quyết liệt để đảm bảo an toàn nhất cho thủ đô. Chúng ta đang thấy yên ả, nhưng nếu không quyết liệt thì sẽ rất nguy hiểm," Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố nhấn mạnh.