Hà Nội là địa phương có số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng lớn, với hơn 593.000 người. Số tiền chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội bình quân một tháng là 3,5 nghìn tỷ đồng.
Từ tuần cuối tháng 5/2024, những người lĩnh lương hưu đều nhận được thông báo từ chính quyền phường về làm thẻ ngân hàng để nhận lương hưu. Nếu ai có tài khoản ngân hàng báo lại với cán bộ phường, ai chưa có sẽ được hỗ trợ mở tài khoản miễn phí và sẽ bắt đầu nhận lương qua tài khoản từ tháng 7.
Dự kiến, từ tháng 7 tới, đại đa số người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội ở Thủ đô sẽ nhận tiền lương ngay trong ngày đầu chi trả.
Ông Phạm Văn Quang, phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) phấn khởi làm thủ tục chuyển đổi phương thức nhận lương hưu hằng tháng. Ảnh: Hà Hiền |
Theo Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội, nhằm đẩy mạnh chi trả lương, trợ cấp xã hội qua ATM nhiều năm nay, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp.
Cụ thể như, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông trên mạng xã hội (facebook, Zalo OA…) về tính ưu việt của việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng. Đồng thời chỉ đạo cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện tham mưu UBND cấp huyện giao chỉ tiêu chi trả lương hưu không dùng tiền mặt cho từng xã, phường, thị trấn cùng với đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ về nhận chế độ bảo hiểm xã hội qua tài khoản cho người cao tuổi.
Cùng với đó, phối hợp với công an quận, huyện vận động tuyên truyền đến từng người hưởng, kết hợp xác minh, rà soát, xác thực thông tin, tình trạng người hưởng bảo đảm cho công tác quản lý, chi trả đúng người hưởng, đúng chế độ.
Thống kê của bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội cho thấy, tính đến cuối ngày 30/5, số người thụ hưởng đăng ký nhận chế độ bảo hiểm xã hội hằng tháng qua tài khoản trên địa bàn thành phố đạt hơn 90%. Địa phương đạt tỷ lệ cao nhất là huyện Quốc Oai với 99,76%; tiếp đến là huyện Phúc Thọ với 98,11%, huyện Ba Vì 96,88%, huyện Thạch Thất 96,78%, huyện Ứng Hòa 96,3%.
Ngoài ra, các quận: Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Tây Hồ, Hà Đông... cũng có tỷ lệ người dân đăng ký chuyển đổi phương thức nhận tiền đạt từ gần 94 - 96%.
Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội Lê Văn Long đánh giá, qua công tác tuyên truyền, vận động, người hưởng lương đã hiểu rõ hơn về việc chi trả không dùng tiền mặt là khẳng định quyền an sinh của người dân với tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau" trong công cuộc chuyển đổi số; góp phần vào quản lý người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, đảm bảo chi trả đúng người hưởng, nhanh chóng và kịp thời.