Các thí sinh trao đổi bài sau khi hoàn thành môn Toán tại Hội đồng thi Trường THPT Việt Đức (Hà Nội). |
Theo tờ trình, năm học 2017-2018, toàn thành phố Hà Nội dự kiến có 82.934 học sinh xét tốt nghiệp trung học cơ sở nhưng chỉ tiêu tuyển sinh vào hệ trung học phổ thông là 69.500 học sinh, trong đó các trường công lập tuyển 56.840 học sinh, các trường ngoài công lập tuyển 12.660 học sinh. Số học sinh được tuyển vào trung tâm giáo dục thường xuyên là 7.000 học sinh; tuyển vào các trường trung học chuyên nghiệp là 6.443 học sinh.
Như vậy, chỉ có 70% học sinh Hà Nội có cơ hội được học trong các trường trung học phổ thông công lập.
Thành phố sẽ tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả các trường trung học phổ thông với hai môn thi Ngữ văn và Toán theo hình thức tự luận. Thời gian thi là vào ngày 9/6, buổi sáng thi Ngữ văn, buổi chiều thi Toán.
Đối với lớp 10 trung học phổ thông không chuyên tuyển sinh theo phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển.
Đối với lớp 10 chuyên sẽ thi hai môn Ngữ văn và Toán cùng với khối không chuyên và thi môn chuyên vào hai ngày 10-11/6.
Năm học 2017-2018, thành phố cũng dự kiến tuyển 105.000 vào lớp nhà trẻ, 452.000 học sinh vào lớp mẫu giáo, 145.000 học sinh vào lớp 1 và 109.300 học sinh vào lớp 6.
Phương thức tuyển sinh là xét tuyển theo tuyến tuyển sinh do Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã quy định và tiếp tục sử dụng phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến trên toàn thành phố. Tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến từ ngày 15-30/6, tuyển sinh bằng hình thức trực tiếp từ 1-15/7.
Năm nay, Hà Nội tiếp tục thực hiện chủ trương “ba tăng, ba giảm.” Trong đó ba tăng gồm tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học. Ba giảm gồm giảm số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh trên một lớp, giảm số lớp đối với những trường có số lớp quá lớn. Đồng thời, ngành giáo dục cũng phân tuyến hợp lý, đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh. Công tác tuyển sinh đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, duy trì và nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, tiến tới phổ cập giáo dục bậc trung học.