69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Hà Nội đứng trước thời cơ và vận hội phát triển mới Tạo chính sách thông thoáng, huy động nguồn lực cho Thủ đô bứt phá |
Xây dựng ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực
Gần 7 thập kỷ đã qua đi, nhưng nhìn lại lịch sử, những âm hưởng hào hùng về Hà Nội vẫn còn mãi. 69 năm trước, ngay sau khi tiếp quản Thủ đô (ngày 10/10/1954), Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo nhân dân nhanh chóng ổn định tình hình, bắt tay vào khôi phục và cải tạo thành phố.
Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Hà Nội trở thành một trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện cho tiền tuyến với phương châm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.
Khi đất nước thống nhất, Hà Nội là một công trường lớn, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân.
Nghị quyết Đại hội XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố đã nhanh chóng được triển khai sâu rộng với 5 định hướng lớn, 3 khâu đột phá, 14 nhóm nhiệm vụ |
Quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tiễn của địa phương, quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Từ đó đến nay, các nghị quyết của Đảng bộ thành phố ngày càng đi vào cuộc sống, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các thành phần kinh tế, khơi dậy tiềm năng trí tuệ của nhân dân.
Nhờ đó, kinh tế Thủ đô tăng trưởng liên tục, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế được quan tâm đầu tư, phát triển, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dân.
Tiếp nối những thành quả đã đạt được, Nghị quyết Đại hội XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố đã nhanh chóng được triển khai sâu rộng với 5 định hướng lớn, 3 khâu đột phá, 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020-2025.
Với sự tin tưởng vào sự phát triển của Thủ đô, tại Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP. Hà Nội tháng 10/2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu lời căn dặn của Bác Hồ: Đảng bộ Hà Nội phải làm gương cho các Đảng bộ khác, cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải cố gắng làm sao cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong Đảng bộ và nhân dân Hà Nội hãy thấm nhuần sâu sắc điều đó, làm cho bằng được, đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, xứng đáng với sự tin yêu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân.
Thấm nhuần lời căn dặn của Bác Hồ và mong muốn của Tổng Bí thư, cũng tại Đại hội lần thứ XVII, Đảng bộ TP. Hà Nội đã xác định tầm nhìn dài hạn cho Thủ đô.
Cụ thể, thành phố đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh, bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa; GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.
Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD.
Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Hà Nội tập trung triển khai hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc, cảnh quan đặc sắc, mang đậm nét đặc trưng của Thủ đô.
Hà Nội tập trung phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô; phát triển mạnh hạ tầng số, công nghệ thông tin, dữ liệu... kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.
Các lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục, y tế được quan tâm đầu tư, phát triển, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dân. |
Thành phố tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đề xuất với Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô nhằm tạo khung pháp lý để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.
Hà Nội tiếp tục quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch; quan tâm đến việc khai thác, phát huy tối đa tài nguyên, chất xám, nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ trên địa bàn thành phố.
Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng Thủ đô thành nơi đáng sống; đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô bền vững.
"Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển"
Đặc biệt, ngay sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", cả hệ thống chính trị thành phố đã vào cuộc triển khai, sớm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống trong sự mong chờ của người dân về những đổi thay của Thủ đô.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, nghị quyết được ban hành đã nói lên sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, của các cấp, ngành và mong muốn của nhân dân cả nước đối với Thủ đô Hà Nội.
Nhờ sự quyết tâm bền bỉ, dù trong hoàn cảnh khó khăn, kinh tế Thủ đô vẫn giữ được sự ổn định, trở thành điểm sáng về tăng trưởng. Cùng với cả nước, kinh tế Hà Nội tiếp tục tăng trưởng, phục hồi rõ nét hơn, chuyển biến theo đà tăng tiến sau mỗi quý và thể hiện sức vươn của thành phố (GRDP 9 tháng 2023 tăng 6,08%).
Thủ đô tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng là trung tâm lớn và đầu tàu kinh tế của cả nước (đóng góp gần 13% GDP của cả nước; đóng góp 43% GRDP, 43,8% thu ngân sách của vùng Đồng bằng sông Hồng; thu hút FDI của Hà Nội là điểm sáng, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt gần 2,53 tỷ USD, chiếm gần 12,5% tổng vốn đầu tư đăng ký FDI của cả nước).
Diện mạo Thủ đô Hà Nội thay đổi từng ngày. |
Nghị quyết số 15-NQ/TƯ thêm một lần nữa khẳng định: Phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” là định hướng lớn, có tính xuyên suốt, nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”. Đây cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.
Tuy nhiên, Bí thư thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng đánh giá, thời gian tới, nhiệm vụ, chỉ tiêu đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô rất nặng nề, trong khi khó khăn, thách thức được dự báo còn rất lớn. Thành phố phải quyết tâm hoàn thành một số chỉ tiêu và nhiệm vụ rất quan trọng của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và những năm tiếp theo.
Để làm được điều đó, Bí thư thành ủy Hà Nội xác định, Thủ đô phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với hệ thống chính trị thành phố, gương mẫu, đi đầu, gần dân, sát dân, thực hiện tốt phương châm "dân là gốc"; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, các cấp, các ngành cần thực hiện thật tốt chủ đề: "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển".
Khó khăn, thách thức đặt ra cho Hà Nội còn rất lớn, song với vai trò là Thủ đô, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế của cả nước, Hà Nội sẽ luôn phát huy được bản lĩnh, khí phách của Thủ đô ngàn năm văn hiến.