Diễn đàn do UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Ban thư ký Diễn đàn Bác Ngao, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cùng chủ trì tổ chức.
Ông Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội hiện có 425 dự án FDI của các doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 517 triệu USD.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Hà Nội với Trung Quốc cả năm 2017 và 11 tháng đầu năm 2018 đạt 16,5 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội sang thị trường Trung Quốc đạt 3 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội từ Trung Quốc đạt 13,5 tỷ USD.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội thảo |
Khách du lịch Trung Quốc là thị trường đứng vị trí thứ nhất trong số các thị trường khách trọng điểm đến Hà Nội và liên tục tăng trong các năm vừa qua. 11 tháng đầu năm 2018, khách du lịch Trung Quốc đến Hà Nội đạt 729.338 lượt (tăng 24% so với cùng kỳ), gấp 5,4 lần so với năm 2011.
Nằm trong quy hoạch “Hai hành lang, một vành đai kinh tế”, thành phố Hà Nội đã tích cực tham gia các Hội nghị hợp tác kinh tế được tổ chức tại các địa phương của hai nước và đã ký kết các biên bản hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Cũng tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung nhấn mạnh, trong những năm qua, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, toàn diện giữa Việt Nam - Trung Quốc phát triển tích cực, các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao và trao đổi đoàn các cấp được duy trì thường xuyên.
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng, hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư tiếp tục là điểm sáng nổi bật trong quan hệ hai nước. Trong 11 tháng của năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt hơn 97 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2017. Hàng tuần có hơn 500 chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc, khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam đạt hơn 4,5 triệu lượt, tăng 27%.
Tính lũy kế đến hết tháng 11/2018, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam hơn 2.000 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 13 tỷ USD, đứng thứ 7/129 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại, du lịch hàng đầu của Việt Nam. Trong khi Việt Nam cũng là đối tác thương mại, du lịch lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 8 của Trung Quốc trên thế giới.
Tổng Thư ký Diễn đàn châu Á Bác Ngao - ông Lý Bảo Đông khẳng định, Việt Nam là nền kinh tế quan trọng và nằm trong số các nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất của thế giới. Những năm qua, Việt Nam đã kiên trì mô hình phát triển dựa vào nâng cao năng suất lao động, cải cách và sáng tạo.
Việt Nam được các tổ chức uy tín trên thế giới đánh giá là con hổ mới về kinh tế của châu Á. Việt Nam có nền chính trị ổn định, người dân an cư lạc nghiệp, cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh ngày càng hoàn thiện, thu hút các nhà đầu tư quốc tế. – Ông Lý Bảo Đông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Chung, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của hai bên; kim ngạch xuất nhập khẩu còn chưa cân đối; tỷ trọng khách du lịch còn chưa tương xứng với điều kiện thuận lợi về khoảng cách, giao thông và quan hệ hợp tác về du lịch hai nước.
Trong thời gian tới, Thành phố Hà Nội sẽ tập trung rà soát các mặt hàng, sản phẩm chủ lực đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, đáp ứng được yêu cầu của thị trường Trung Quốc đang có nhu cầu lớn. Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, phối hợp chặt chẽ với hải quan của Việt Nam - Trung Quốc để hỗ trợ tối đa thủ tục thông quan, giúp doanh nghiệp hai bên đẩy mạnh giao thương hàng hóa.
Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành của các tỉnh, thành phố về thủ tục hành chính xuất nhập cảnh; đầu tư nâng cấp điểm đến, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường quảng bá xúc tiến điểm đến tới khách du lịch thông qua việc mời các đoàn Famtrip, hội chợ du lịch.
Với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội mong muốn các doanh nghiệp của Trung Quốc nghiên cứu đầu tư vào các lĩnh vực mà các bạn đang có thế mạnh như: cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, logistics, tài chính - ngân hàng, du lịch…
Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác giữa Hà Nội, các tỉnh, thành phố của Việt Nam với các tỉnh, thành phố của Trung Quốc; xây dựng cơ chế thúc đẩy liên kết vùng, mỗi tỉnh, thành phố tạo sức hút mạnh hơn về cung cầu và sức lan tỏa về công nghệ, sáng tạo. Không ngừng mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác đối ngoại thông qua những biên bản ghi nhớ, chương trình, dự án hợp tác cụ thể, có ý nghĩa thiết thực để phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường mở rộng các quan hệ thương mại, du lịch, thu hút đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu.
"Chính quyền thành phố Hà Nội cam kết sẽ tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư, kinh doanh hiệu quả, lâu dài, ổn định, cùng có lợi", Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định.
Đây là lần đầu tiên Diễn đàn châu Á Bác Ngao tổ chức tại Việt Nam. Diễn đàn là bước đi đầu tiên của Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại cùng có lợi giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Kể từ khi được thành lập năm 2001 đến nay, BFA là nơi lãnh đạo, doanh nghiệp các nước chia sẻ ý tưởng tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, tài chính - ngân hàng. |